Kiểm tra bài đầu giờ có cần thiết không?
Câu chuyện nóng nhất tuần qua là việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên không trả bài bất ngờ theo kiểu học thuộc lòng. Hình thức kiểm tra miệng như vậy là máy móc, gây áp lực cho học sinh và đi ngược lại với tinh thần đổi mới giáo dục.
Nhiều ý kiến trái chiều
Ngay sau khi quy định yêu cầu giáo viên không cần kiểm tra miệng, kiểm tra kiến thức đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện này. Phần đông, những ý kiến đồng tình với việc không kiểm tra kiến thức đầu giờ gây tâm lý sợ hãi cho học sinh là của những người không trực tiếp giảng dạy học sinh ở 2 bậc học là trung học cơ sở và trung học phổ thông. Có bạn đọc cho rằng: “Theo tôi quyết định này rất tốt. Đến trường đỡ áp lực. Học xong rồi quên nhất là mấy cái học vẹt. Bạn nào chăm chỉ có ý thức và ý định học lên cao thì không kiểm tra vẫn lo học mà”. “Cũng nên theo hướng tiến bộ này. Có thể kiểm tra theo kiểu hiểu bài không, chứ không theo kiểu học thuộc lòng như vẹt”.
Ảnh minh họa.
“Không phải bỏ khảo bài, mà không nên khảo bài đầu giờ. Khảo bài bất cứ lúc nào trong giờ học. Đầu giờ mà khảo bài dễ tạo tâm lý căng thẳng, ảnh hưởng không khí tiết học”. “Có nhiều cách hỏi bài học sinh lắm, quan trọng cách hỏi bài của thầy cô làm sao không gây đau tim học sinh. Đâu phải học sinh nào cũng tiếp thu tốt kiến thức, học sinh học lực yếu gọi bài thế này dễ bị tâm lý”. “Ủng hộ cấm kiểm bất ngờ, kiểm hay kiểm tra phải báo trước cho các em, kiểm không báo trước gây áp lực, đánh đố, các em còn nhỏ mọi chuyện phải trong sáng rõ ràng”.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc bỏ kiểm tra đầu giờ, nhiều ý kiến khác lại phản đối đặc biệt là những ý kiến đến từ các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thầy giáo Mai Khánh, giáo viên môn lịch sử cho biết: “Báo trước ngày mai kiểm tra bài cũ mà nhiều em còn không chịu học, nếu bỏ luôn kiểm tra thì đi học về nhiều em không bao giờ nhìn vào cuốn vở ghi bài để học”.
Cô giáo Lan Phương, giáo viên môn địa lý một trường trung học cũng chia sẻ: “Những môn học bài, thầy cô đều cho ghi bài rất kỹ. Sau mỗi tiết học vẫn thường xuyên dặn dò về học bài để tiết học sau kiểm tra. Cũng nhờ sợ kiểm tra nên nhiều em mới chịu học. Nay nếu bỏ kiểm tra đầu giờ, những môn học bài học sinh sẽ không học nữa”.
Giáo viên lo ngại chất lượng giáo dục sẽ đi xuống
Những môn học bài, giáo viên sẽ kiểm tra những phần ghi bài của học sinh. Những môn có bài tập, kiểm tra bài cũ thường là đọc các công thức, các định nghĩa và làm một số bài tập.
Nhiều thầy cô đều cho rằng, nếu không kiểm tra bài đầu giờ, học sinh sẽ không học bài và chất lượng giáo dục sẽ đi xuống trầm trọng. Chỉ những đứa trẻ lười học thì mới sợ bị kiểm tra. Mà đã lười học thì dù kiểm tra đầu giờ hay cuối giờ đều là nỗi đáng sợ của các em.
Đối với những học sinh có tính tự giác cao thì thầy cô có kiểm tra bài cũ hay không các em vẫn tự học. Tuy nhiên trong thực tế, những học sinh có ý thức học tập cao cũng khá ít. Không ít học sinh hiện nay, học vì sợ bị kiểm tra.
Nếu không kiểm tra bài cũ, những môn học lý thuyết như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và một số môn học sinh đặt cho tên gọi là “môn phụ” sẽ dễ bị lãng quên.
Cũng vì sợ gọi lên bảng không thuộc bài nên nhiều em phải dành thời gian để ôn lại bài đã học. Nhờ đó, lực học của các em mới được cải thiện. Cũng nhờ hình thức kiểm tra bài đầu giờ, giáo viên đánh giá được sự chuyên cần và năng lực học tập của mỗi học sinh.
Hiện nay, ngoài việc kiểm tra bài cũ đầu giờ, vẫn còn hình thức kiểm tra trong các tiết học. Ví như khi giảng dạy đến vấn đề liên quan, giáo viên sẽ đặt câu hỏi về kiến thức đã học. Tuy nhiên, theo nhiều thầy cô giáo vẫn phải duy trì việc kiểm tra bài đầu giờ như từ trước đến nay.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kiem-tra-bai-dau-gio-co-can-thiet-khong-112518.html