Kiểm tra công tác học ngoại ngữ và tiếng dân tộc tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa

Ngày 18-9, Đoàn công tác của Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Mai Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà trường làm Trưởng đoàn, đã đến kiểm tra kết quả đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và khả năng sử dụng tiếng nước láng giềng của cán bộ, nhân viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa.

Quang cảnh buổi kiểm tra tại Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo.

Quang cảnh buổi kiểm tra tại Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo được giao quản lý, bảo vệ biên giới dài 37,376 km, tiếp giáp với huyện huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào); quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn 2 xã biên giới, với tổng 1.741 hộ/ 7.287 khẩu, gồm 4 dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mông.

Để nâng cao chất lượng công tác biên phòng, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới, những năm qua, đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tiếng nước láng giềng, tiếng đồng bào các dân tộc trên biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tham gia buổi kiểm tra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tham gia buổi kiểm tra.

Qua kiểm tra cho thấy, đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm việc thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” và học tập tiếng dân tộc thiểu số trong bộ đội biên phòng.

Đơn vị luôn tạo điều kiện, thường xuyên động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia các lớp đào tạo tiếng nước láng giềng, tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn đóng quân. Đội ngũ cán bộ làm công tác phiên dịch của đơn vị cơ bản nói thông thạo và dịch đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ biên giới, cửa khẩu, công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao Nhân dân.

Hiện tại, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo có 42 cán bộ được đào tạo qua các lớp ngắn hạn tiếng Anh, tiếng Lào; 13 đồng chí sử dụng thành thạo tiếng các dân tộc: Thái, Mường, Mông.

Tại buổi rút kinh nghiệm công tác kiểm tra, đơn vị đề xuất Cục Nhà trường nghiên cứu đưa nội dung bồi dưỡng ngoại ngữ vào nội dung, chương trình huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ; mở các lớp đào tạo dưới hình thức online cho cán bộ, chiến sĩ vào buổi tối, để cán bộ vừa nâng cao trình độ, vẫn thực hiện tốt công tác chuyên môn.

Quốc Toản (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/kiem-tra-cong-tac-hoc-ngoai-ngu-va-tieng-dan-toc-tai-bo-doi-bien-phong-tinh-thanh-hoa/195395.htm