Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở Phú Quốc
Phú Quốc hiện có trên 37.000 ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ – một nguồn tài nguyên quý giá góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Nhằm chủ động ứng phó và nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức đoàn kiểm tra do Đại tá Nguyễn Nhật Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn, phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan tiến hành triển khai kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các bất cập, đảm bảo an toàn cho “lá phổi xanh” tại thành phố Phú Quốc.

Lực lượng chức năng sử dụng thiết bị kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng
Phú Quốc hiện có trên 37.000 ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ – một nguồn tài nguyên quý giá góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, mùa khô năm nay đến sớm và kéo dài, thời tiết nắng nóng cực đoan, độ ẩm không khí xuống thấp khiến nguy cơ cháy rừng tại đây ở mức báo động.
Vì vậy đoàn tập trung kiểm tra việc xây dựng phương án PCCCR, trang bị thiết bị chữa cháy, bố trí lực lượng tại chỗ, công tác trực sẵn sàng chiến đấu, tuyên truyền cộng đồng và khả năng phối hợp giữa các lực lượng.
Đại tá Nguyễn Nhật Trường cho biết: “Phú Quốc có diện tích rừng lớn, khí hậu khô nóng kéo dài. Việc kiểm tra lần này giúp đánh giá thực tế công tác chuẩn bị, từ đó kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả phối hợp trong PCCCR. Thời gian tới, Công an tỉnh Kiên Giang sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP. Phú Quốc và các ngành chức năng tăng cường tập huấn, bổ sung thiết bị, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCCR theo đúng pháp luật”.

Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với kiểm lâm và các đơn vị liên quan kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại thành phố Phú Quốc.
Cùng với công tác kiểm tra, các lực lượng chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sinh sống ven rừng cách nhận biết và xử lý khi có dấu hiệu cháy rừng; tuyên truyền người dân và du khách nâng cao ý thức trong sinh hoạt, du lịch, không đốt lửa, không mang chất dễ cháy vào rừng;
Khi phát hiện có khói, lửa bất thường, cần báo ngay cho lực lượng chức năng để xử lý kịp thời. Các địa phương thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.