Kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả tại huyện Tam Dương

Ngày 31/5, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả sau mưa lớn tại huyện Tam Dương. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại huyện Tam Dương. Ảnh Dương Hà

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại huyện Tam Dương. Ảnh Dương Hà

Theo báo cáo của UBND huyện Tam Dương, từ ngày 22-25/5/2022, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn làm nước sông Phó Đáy dâng cao. Nước trong các hệ thống luồng tiêu sông Phan, kênh Bến Tre và các khu đồng dâng cao gây ngập úng trên diện rộng, nhất là ở một số xã: Đồng Tĩnh, An Hòa, Hoàng Đan, Duy Phiên, Hoàng Lâu, Kim Long. Mưa lớn đã làm chết 3 người, bị thương 1 người, ngập 73 ngôi nhà, trên 1,3km đường giao thông, 4 chuồng trại chăn nuôi bị ngập, thiệt hại 12.000 con gia cầm; trên 881 ha lúa, gần 260 ha hoa màu và trên 51,4 ha thủy sản bị ngập úng.

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng trực phòng, chống thiên tai; đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành phân luồng, bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông; bảo đảm tiêu úng cho 100ha diện tích lúa của xã Đồng Tĩnh; kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ đập, kênh mương trên địa bàn, khơi thông bèo rác, vật cản, bảo đảm luồng tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, không để ngập úng xảy ra.

Sau khi kiểm tra kênh Liễn Sơn qua khu vực xã Đồng Tĩnh, đập tràn Liễn Sơn, đồng Vạt xã An Hòa và đầm Nhị Hoàng thuộc địa phận xã Hoàng Đan, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh đề nghị UBND huyện Tam Dương tiếp tục thực nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; giao trách nhiệm cụ thể đến các địa phương, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão; quán triệt quan điểm của tỉnh, chủ động, bám sát tình hình mưa bão, không để ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân, nhất là các địa bàn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đồng thời, rà soát lại hệ thống kênh mương, hệ thống tiêu thoát nước, kể cả trong khu dân cư, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đề xuất kịp thời các phương án phòng, chống lụt bão có thể xảy ra. Cùng với đó, kịp thời thông tin cho người dân về tình hình mưa lớn và hướng dẫn các biện pháp phù hợp trong mọi tình huống để người dân chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và đời sống.

Hoàng Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/77949/kiem-tra-cong-tac-phong-chong-lut-bao-va-khac-phuc-hau-qua-tai-huyen-tam-duong.html