Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Chiều nay 9/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Vụ trưởng Vụ kinh tế Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Đoàn làm trưởng đoàn tổ chức kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến làm việc với đoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: ĐV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: ĐV

Trong 6 tháng đầu năm 2023, địa bàn tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của 23 đợt thiên tai, gồm 11 đợt không khí lạnh; 8 đợt nắng nóng; 3 đợt mưa dông, lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh; 1 đợt mưa lớn làm xuất hiện lũ nhỏ trái mùa tại khu vực phía Nam tỉnh. Thiên tai các tháng đầu năm 2023 đã làm 2 người chết, 2 người bị thương và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, nhà dân, công trình hạ tầng…bị thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 76,401 tỉ đồng.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 sự cố về tàu, thuyền trên sông và trên biển.

Thời gian qua, trên cơ sở các nội dung được quy định, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCTT của trung ương, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo quán triệt các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi.

Hệ thống ban chỉ huy PCTT & TKCN được thành lập và hoạt động xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cũng đã chủ động thành lập ban chỉ huy PCTT & TKCN theo quy định. Bên cạnh đó, Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác xây dựng và triển khai Kế hoạch PCTT của tỉnh giai đoạn 2021-2023; Kế hoạch PCTT của quốc gia đến năm 2025 được ban hành tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; làm tốt công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Tích cực tổ chức công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và triển khai đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”.

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành quy định chi tiết, thống nhất về bộ máy cơ quan chuyên trách riêng để thực hiện quản lý nhà nước về PCTT đồng thời là văn phòng thường trực của ban chỉ huy PCTT & TKCN cấp tỉnh.

Bổ sung biên chế chuyên trách ở cấp huyện; quy định cụ thể về cán bộ chuyên trách cấp xã. Ban hành quy định đặc thù hoặc cơ chế phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn thời gian giai đoạn chuẩn bị đầu tư đối với dự án, công trình khắc phục khẩn cấp hậu quả do thiên tai gây ra. Đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2022; hỗ trợ phương tiện, vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp Nguyễn Văn Đoàn đánh giá cao tỉnh Quảng Trị đã chủ động, làm tốt công tác PCTT & TKCN, qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Về các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác ghi nhận và sẽ tổng hợp, báo cáo trung ương và các bộ, ngành liên quan.

Để thực hiện tốt công tác PCTT trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp đề nghị tỉnh Quảng Trị tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, vật tư, lương thực, thuốc men… trước mùa mưa lũ. Lồng ghép công tác PCTT vào kế hoạch phát triển KT-XH địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng trong phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/kiem-tra-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan/178959.htm