Kiểm tra gần 23.000 cơ quan, 99,89% thực hiện đúng quy định địa điểm không uống rượu bia

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo báo cáo, số cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quy định địa điểm không uống rượu, bia chiếm 99,89% trong số 22.782 đơn vị được kiểm tra đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Trước phiên chất vấn của Quốc hội (ngày 11 và 12-11 tới), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có văn bản gửi ĐBQH về một số nội dung liên quan.

Trong đó, về công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời quan qua, Bộ đã xây dựng, kiện toàn hành lang pháp lý triển khai công tác này.

Hầu hết các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn. Các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện tương đối đầy đủ về quy định địa điểm không được bán và quy định về các địa điểm không được uống rượu bia.

Cụ thể, theo báo cáo, số cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quy định địa điểm không bán rượu, bia chiếm 99,98% trong số 22.083 cơ quan, tổ chức được kiểm tra đánh giá; số cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quy định địa điểm không uống rượu, bia chiếm 99,89% trong số 22.782 cơ quan, tổ chức được kiểm tra đánh giá.

Đồng thời, các địa phương cũng thực hiện tốt việc quản lý, cấp phép sản xuất rượu công nghiệp, cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; bước đầu thực hiện quản lý việc sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại và quản lý hoạt động sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Về việc tổ chức thực hiện các quy định để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được, Bộ Y tế cho biết: năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với tổng cộng 3.703.699 lượt người được kiểm tra, trong đó có 298.615 lượt vi phạm, chiếm tỷ lệ 8,06%...

Lý giải về các tồn tại, hạn chế, khó khăn trong phòng chống tác hại rượu bia, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, có nhiều nguyên nhân như: do tính sẵn có, dễ tiếp cận của các sản phẩm rượu bia; do thói quen tiêu dùng, tỉ lệ người dùng rượu bia vẫn cao; do các quy định về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu bia, quy định về hạn chế điểm bán rượu bia, quảng cáo trên không gian mạng còn chưa đầy đủ.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế còn nêu một khó khăn nữa là không có quỹ để phòng chống tác hại của rượu bia như quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá…

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kiem-tra-gan-23000-co-quan-9989-thuc-hien-dung-quy-dinh-dia-diem-khong-uong-ruou-bia-post594895.antd