Kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ

Chợ là một trong những nơi cung ứng thực phẩm chính của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các chợ chưa được đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát hàng hóa kinh doanh ở các chợ dân sinh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch kiểm tra mẫu thực phẩm chế biến tại chợ dân sinh. Ảnh: Trường Khanh

Cán bộ Trạm Y tế xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch kiểm tra mẫu thực phẩm chế biến tại chợ dân sinh. Ảnh: Trường Khanh

Xây dựng thí điểm mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 81 chợ đang hoạt động, trong đó, có 4 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2 và 63 chợ hạng 3. Các chợ đều có hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, những năm gần đây, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương quan tâm, đầu tư, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn, góp phần thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa.

Theo quy định, trách nhiệm để xảy ra tình trạng mất ATVSTP ở các chợ, trước hết thuộc về ban quản lý chợ và chính quyền địa phương nơi sở tại. Để công tác đảm bảo ATVSTP tại các chợ đi vào nền nếp, chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ đã quan tâm đầu tư các hạng mục trong chợ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tiểu thương về vấn đề ATVSTP.

Đồng thời, tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết không kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tiến hành lấy mẫu kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ kinh doanh không bảo đảm ATVSTP.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Công thương, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP tại chợ.

Để tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP ở các chợ, từ năm 2018, ngành Công thương đã triển khai và nhân rộng mô hình “Chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 chợ gồm: Chợ Vĩnh Yên, chợ Trung tâm thương mại Yên Lạc, chợ thị trấn Vĩnh Tường và chợ Bồ Sao (Vĩnh Tường) triển khai mô hình.

Ngành Công thương đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 chợ được xây dựng theo mô hình "Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm".

Nâng cao ý thức của tiểu thương

Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng, tình trạng mất ATVSTP ở các chợ vẫn diễn ra. Hiện nay, phần lớn các chợ, tình trạng thực phẩm tươi sống được bày bán lẫn với thức ăn chín diễn ra khá phổ biến; nhiều quầy hàng được đặt ngay dưới nền đất; phế phẩm của những mặt hàng tươi sống vứt bừa bãi; người bán không đeo găng tay trong quá trình chế biến thực phẩm; thức ăn đã qua chế biến bày bán không được che đậy hoặc không bày trong tủ kính... gây mất vệ sinh.

Điều đáng nói, tình trạng bán thực phẩm quá hạn sử dụng, chưa được kiểm nghiệm chất lượng ở các chợ vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Mục sở thị tại khu vực bán thực phẩm ở chợ Vĩnh Yên, chúng tôi nhận thấy, ngoại trừ dãy hàng thịt được kê bàn cao hẳn so với nền chợ, nhiều mặt hàng như rau, hoa quả… được các tiểu thương đặt sát nền đất. Hàng chục lồng gà, vịt, ngan... để sát rãnh thoát nước. Mùi hôi, tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm quyện với mùi chất thải gia cầm bốc lên nồng nặc.

Khảo sát tiếp ở một số chợ nông thôn như Chợ Láng, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), chợ Thanh Vân, (Tam Dương); chợ Cổ Độ, thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên)… ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả đặt dưới nền đất, hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến.

Tình trạng trên cho thấy ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP của các tiểu thương trong chợ còn hạn chế; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP ở các chợ chưa được chú trọng; chế tài xử phạt vẫn chủ yếu là chấn chỉnh, nhắc nhở và cho thời gian khắc phục nên chưa đủ sức răn đe; nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP ở chợ còn thiếu và yếu…

Để đảm bảo ATVSTP ở các chợ, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ, trong đó, tập trung vào các ngành hàng có nguy cơ cao về mất ATVSTP như thực phẩm chế biến sẵn, hải sản, thực phẩm tươi sống…

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức của các tiểu thương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSTP; xây dựng, nhân rộng các mô hình chợ ATVSTP. Người tiêu dùng cũng phải sẵn sàng tẩy chay các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn trong chợ.

Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72660/kiem-tra-giam-sat-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tai-cac-cho.html