Kiểm tra giữa kì sao mà làm khổ phụ huynh, học sinh thế này?
Tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá khoa học, khách quan, công bằng, giảm áp lực cho xã hội là thể hiện năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường
Thời điểm này các cơ sở giáo dục đang, đã chuẩn bị kiểm tra giữa học kì II năm học 2022-2023.
Do cả học kì II chỉ có 02 bài kiểm tra định kì (giữa kì II và cuối kì II) nên bài kiểm tra giữa kì mang tính chất quan trọng trong đánh giá xếp loại học sinh cả năm học, vì thế không ít người gọi là thi giữa kì, thi cuối kì.
Anh Nguyễn Văn Sáng, phụ huynh một học sinh phía Nam chia sẻ: “Chỉ là kiểm tra đánh giá giữa học kì mà tổ chức cầu kỳ quá.
Có hôm thi 1 môn chỉ 60 phút rồi về, đưa đón mất thời gian. Kiểm tra kéo dài hẳn 1 tuần.
Với tính chất và ý nghĩa của kiểm tra giữa kì, nên chăng chỉ tổ chức kiểm tra như bài kiểm tra một tiết thời chúng tôi học, nhưng yêu cầu ôn bài và đề kiểm tra có phạm vi rộng hơn.
Kiểm tra ngay trong buổi học, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh đỡ vất vả đưa đón con, làm vậy ngay cả giáo viên cũng đỡ khổ.
Chương trình mới thi cử hay điểm số đâu còn nhiều ý nghĩa, tổ chức kiểm tra kéo dài cả tuần như thế chủ yếu tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh. Kiểm tra giữa kì sao mà phải làm khổ phụ huynh, học sinh thế này?”.
Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Nhìn con học lớp 6 cầm xấp đề cương các môn để học thuộc lòng, tôi thấy kiểm tra chương trình mới chẳng khác thời chị nó học chương trình cũ.
Chương trình mới mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cá nhân mà giáo viên vẫn cho đề cương, soạn đề cương, học sinh về học thuộc lòng để trả lời như thế tôi thấy không được.
Cùng với đó, công tác tổ chức kiểm tra giữa kì thiếu khoa học, nhà trường không đặt mình vào vị trí phụ huynh để hiểu và thông cảm cho chúng tôi, có buổi chỉ lên kiểm tra 1 môn 60 phút rồi về, bắt buộc phụ huynh phải chờ đón con, gây phiền hà, áp lực cho gia đình”.
Tổ chức kiểm tra giữa kì sao cho khoa học
Thực tế, thực hiện kiểm tra đánh giá giữa học kì thường do nhà trường chủ động tổ chức thực hiện từ ra đề, coi kiểm tra, chấm điểm.
Cũng có số ít địa phương Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ra đề chung cho môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho cả huyện, tỉnh.
Vì vậy, có nơi kiểm tra đánh giá giữa học kì tổ chức nhẹ nhàng, nghiêm túc, không gây áp lực cho học sinh. Ngược lại, cũng có nơi tổ chức kiểm tra đánh giá giữa học kì gây bức xúc cho phụ huynh.
Các tiết kiểm tra đánh giá giữa học kì đã có trong kế hoạch giáo dục, phân phối chương trình của giáo viên bộ môn, tuy nhiên để khỏi “lộ đề”, nhiều cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra đánh giá giữa học kì đồng loạt cho cả trường, cả khối.
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhà trường thường chia phòng cho học sinh kiểm tra.
Chia phòng cho học sinh kiểm tra giữa học kì cũng là rèn luyện kĩ năng cho các em khỏi bỡ ngỡ khi tham gia các kì thi sau này.
Môn Toán, Ngữ văn thường có thời gian kiểm tra 60 phút (cũng có nơi thực hiện 90 phút), nên có thể ghép với môn Ngoại ngữ làm thành 1 buổi, buổi sau môn Ngữ văn hoặc Toán ghép với 1 môn khác làm một buổi. Như vậy đã giảm thiểu tối đa gây xáo trộn thời gian đưa, đón con cho phụ huynh học sinh.
Các môn học còn lại kiểm tra vào hai tiết đầu của buổi học, các tiết còn lại học bình thường. Thời gian kết thúc buổi học không gây xáo trộn đến thời gian đón con của phụ huynh, nên giảm áp lực cho cả học sinh và gia đình.
Trước thời điểm kiểm tra giữa kì tất cả các môn học đều có tiết ôn tập. Để giảm áp lực do gánh nặng “đề cương” đè lên học sinh, giáo viên bộ môn phải xác định được kiến thức trọng tâm và bài tập đặc trưng để ôn tập cho học sinh.
Giáo viên tuyệt đối không giao câu hỏi ôn tập cùng câu trả lời để học sinh học thuộc lòng, vừa phản cảm vừa thiếu tính giáo dục.
Với chương trình mới, không nên giao đề cương cho học sinh, giáo viên nên đổi mới cách ra đề, giảm thiểu câu hỏi yêu cầu học sinh học thuộc, tăng câu hỏi vận dụng thực tế để học sinh vận dụng, phát huy trải nghiệm, năng lực của mình.
Tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá giữa kì nói riêng, kiểm tra đánh giá nói chung cho khoa học, khách quan, công bằng, giảm áp lực cho xã hội là thể hiện năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường.