Kiểm tra hành vi sử dụng chất dung môi pha chế xăng bất hợp pháp
Các Đội quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý chất lượng xăng dầu kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM vừa có công văn gửi các Đội QLTT yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, địa bàn, nắm bắt thông tin, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời xử lý vi phạm các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng hàm lượng gốc dầu khoáng cao trong các dung môi để sử dụng, pha chế xăng kém chất lượng, bất hợp pháp tiêu thụ trên thị trường nhất là trong thời điểm giá xăng dầu đang tăng cao như hiện nay.
Song song đó, Cục QLTT TP.HCM cũng chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất trên địa bàn, cập nhật bổ sung vào danh sách quản lý địa bàn đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất, kho hàng chứa hóa chất.
Ngoài ra, Cục QLTT thành phố cũng yêu cầu Phòng Kiểm tra - Phối hợp liên ngành tham mưu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả xăng dầu có các hành vi pha chế xăng kém chất lượng để thu lời bất chính.
Phòng chuyên môn và các Đội QLTT nghiêm túc triển khai thực hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực này thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định. Nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục QLTT TP.HCM để chỉ đạo, xử lý.
Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM thông tin, một số DN nhập khẩu hàng hóa khai báo hóa chất “Dung môi hữu cơ hỗn hợp - Thinner” hoặc “Dung môi tổng hợp - Thinner” dùng để tẩy rửa kim loại, pha sơn quét tường thực tế có thành phần chính là dung môi nhẹ gốc dầu khoáng (có thể dùng làm nguyên liệu trong pha chế xăng) và dung môi nhẹ gốc dầu khoáng có bổ sung một lượng nhỏ tetrahydrofuran từ 0,5% - 1,2% (không thích hợp dùng để pha chế xăng). Cục Hải quan TP.HCM đã có văn bản số 2039/HQTPHCM-KSHQ ngày 9/8/2022 về việc cảnh báo sử dụng dung môi để pha chế xăng bất hợp pháp./.