Kiểm tra học kỳ I: Có một số điểm mới

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp… tổ chức kiểm tra học kỳ I năm học 2020 - 2021. Theo đó, hình thức, nội dung kiểm tra có một số điểm mới so với trước.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn các phòng GD-ĐT, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp… tổ chức kiểm tra học kỳ I năm học 2020 - 2021. Theo đó, hình thức, nội dung kiểm tra có một số điểm mới so với trước.

Bắt đầu kiểm tra từ ngày 14-12

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian kiểm tra học kỳ I bắt đầu từ ngày 14-12, thời gian cụ thể do các phòng GD-ĐT, các trường chủ động tổ chức theo kế hoạch dạy và học. Những năm trước, sở ra đề kiểm tra học kỳ chung cho khối 9 và 12 đối với một số môn, tuy nhiên năm học này, sở giao cho các đơn vị. Các phòng GD-ĐT sẽ ra đề kiểm tra chung đối với một số môn, khối lớp hoặc giao cho các trường ra đề. Các trường THCS tổ chức kiểm tra tập trung (theo đề kiểm tra của phòng hoặc của trường) đối với khối lớp 9 các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và các môn học khác nếu bố trí được thời gian. Phòng GD-ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường THCS. Ở cấp THPT, các trường tổ chức kiểm tra tập trung đối với khối lớp 12 các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) theo đăng ký của học sinh. Việc kiểm tra tập trung khối 9 và 12 đều phải thực hiện đánh số báo danh, bố trí 24 học sinh/phòng; đánh phách, rọc phách, bố trí giáo viên chấm tập trung theo 2 vòng độc lập để đảm bảo khách quan, nghiêm túc.

 Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang).

Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang).

Một số thay đổi

Theo Thông tư số 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2020 - 2021, trong tính điểm tổng kết cuối năm học, điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2, điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, năm học này, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra học kỳ có một số thay đổi nhằm đánh giá đúng hơn kết quả học tập của học sinh cũng như thực chất việc dạy và học ở các nhà trường. Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ (trên giấy hoặc trên máy tính) được quy định chỉ từ 45 phút đến 90 phút (trước đây có một số môn kiểm tra 120 phút); riêng môn chuyên tối đa 120 phút. Năm học 2020 - 2021, do nhiều nội dung dạy học cấp THCS, THPT được Bộ GD-ĐT điều chỉnh, tinh giản nên các trường sẽ không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn: Không dạy; đọc thêm; không làm; không thực hiện; không yêu cầu; khuyến khích học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện.

Sở GD-ĐT lưu ý, đề kiểm tra phải được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT và đảm bảo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Khi ra đề các môn khoa học xã hội, các trường cần chú trọng nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của học sinh về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. Đối với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ. Đối với việc kiểm tra kỹ năng nói của môn Tiếng Anh các khối 6, 7, 8 cấp THCS và khối 10, 11 cấp THPT, điểm toàn bài kiểm tra cuối kỳ là 10 điểm, trong đó phần kiểm tra viết 8 điểm (gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ); phần kỹ năng nói 2 điểm được đánh giá trước, trong hoặc sau buổi kiểm tra.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202012/kiem-tra-hoc-ky-i-co-mot-so-diem-moi-8197537/