Kiểm tra, hướng dẫn khắc phục an toàn cháy, nổ chung cư 'mi ni' tại xã Tân Triều trong đêm

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi hỏa hoạn xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ, chung cư 'mi ni' trên địa bàn huyện Thanh Trì, tối 16-4, Thượng tá Nguyễn Quang Huấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn phòng cháy, thoát nạn tại xã Tân Triều.

Thượng tá Nguyễn Quang Huấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn phòng cháy, thoát nạn tại xã Tân Triều

Thượng tá Nguyễn Quang Huấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn phòng cháy, thoát nạn tại xã Tân Triều

Kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC và CNCH cho người dân tại 2 chung cư “mi ni” ở địa chỉ số 44 và 66 ngõ 147 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, đại diện chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cùng Tổ địa bàn Thanh Trì đã nêu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19/CT-TTg và Công điện số 825/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC. Theo đó, lực lượng chức năng đưa ra các nội dung khuyến cáo đối với cơ sở và dân cư cần thực hiện để đảm bảo an toàn cho gia đình.

Cũng tại đây, báo cáo viên tuyên truyền và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc khắc phục những tồn tại mà cơ quan chức năng đã chỉ ra đối với các cơ sở kinh doanh, nhà cho thuê trọ. Nếu không chấp hành quy định, cơ quan chức năng sẽ xử lý tạm đình chỉ hoạt động và ngừng cung cấp điện, nước theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cháy, nổ cho cơ sở, Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn cơ sở các giải pháp an toàn với nhiều nội dụng cụ thể như: Bố trí vị trí sạc cho xe điện ngăn cách với khu vực để xe sử dụng động cơ khác (ngăn cách bằng hành lang, lối đi hoặc không gian trống không có tải trọng chất cháy...).

Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt. Trong quá trình sạc điện phải có người trực và thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; khuyến cáo không nên sạc điện qua đêm.

Về giải pháp ngăn cháy lan: Cầu thang bộ, giếng thang máy đi từ tầng hầm, tầng nửa hầm lên phải được ngăn cháy, ngăn khói với khu vực xung quanh.

Khu vực để ô tô, xe máy (tầng hầm, nửa hầm, tầng 1…) phải được ngăn cháy với khu vực ở, cầu thang bộ, thang máy của nhà và có lối thoát nạn riêng; bố trí ô tô, xe máy phải bảo đảm đúng số lượng, vị trí quy định, ngăn cách với nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Trang bị phương tiện PCCC để phát huy phương châm 4 tại chỗ

Trang bị phương tiện PCCC để phát huy phương châm 4 tại chỗ

Đối với giải pháp thoát nạn, bảo đảm số lượng, chủng loại cầu thang bộ thoát nạn theo quy định, không để đồ đạc, hàng hóa, vật dụng dễ cháy ngăn lối thoát nạn.

Khuyến cáo các hộ gia đình tại mỗi căn hộ tự trang bị các trang thiết bị phục vụ CNCH như thang dây hạ chậm, mặt nạ phòng độc, đèn pin, dụng cụ phá dỡ thông thường...

Chấp hành các quy định về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC (hệ thống báo cháy tự động, họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn...)

Tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ trực để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh, tuyên truyền, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC tại chỗ cho lực lượng thường trực, các hộ gia đình sinh sống tại công trình.

A.N

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kiem-tra-huong-dan-khac-phuc-an-toan-chay-no-chung-cu-mi-ni-tai-xa-tan-trieu-trong-dem-post609265.antd