Kiểm tra kỹ, vẫn lo an toàn thực phẩm ở trường
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết việc giám sát các bữa ăn bán trú trước hết là các trường; các phòng GD-ĐT tự kiểm tra, giám sát, có phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh
Cuối tháng 10, Sở Y tế TP HCM đã có một báo cáo cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP trong giai đoạn 2017-2020 là 9 vụ, giảm 50% so giai đoạn 2014-2016 (trước và sau khi thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm - ATTP TP HCM).
Phòng ngừa hơn chữa trị
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP HCM, số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học không hề giảm, mỗi giai đoạn 4 vụ, trong khi ngộ độc thực phẩm tại KCX-KCN từ 5 vụ (giai đoạn 2014-2016) xuống còn 0 vụ (giai đoạn 2017-2020).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong nhóm học sinh thấp hơn nhóm công nhân do giá trị suất ăn của học sinh cao, vì được phụ huynh đầu tư hơn.
Liên quan đến công tác quản lý ATTP trong các cơ sở giáo dục, sáng 4-11, phóng viên Báo Người Lao Động gửi câu hỏi đến Ban Quản lý ATTP TP HCM, nhưng đến cuối ngày vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, ngày 29-10, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM, đã trả lời Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM) liên quan vấn đề này, do được nhiều đại biểu HĐND quan tâm. Theo đó, bà Lan khẳng định công tác bảo đảm ATTP, giảm thiểu và tiến tới triệt tiêu ngộ độc thực phẩm trong khối trường học đã nằm trong kế hoạch hành động của đơn vị này từ khi mới thành lập.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: “Mọi người thường đặt câu hỏi vì sao làm kỹ vậy mà vẫn để ngộ độc thực phẩm xảy ra? Tôi xin hỏi ngược lại, nếu không làm kỹ thì tình hình ngộ độc sẽ còn tới đâu?”.
"Ban Quản lý ATTP TP HCM đã ký kết kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP về bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn (giai đoạn 2017-2019 và 2020-2022). Trong đó, bao gồm nhiều hoạt động từ tập huấn kiến thức ATTP cho những người phụ trách bếp ăn, nhân viên cung cấp suất ăn và cả hiệu trưởng. Bởi vì, nếu học sinh có chuyện gì xảy ra thì hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã hướng dẫn thiết kế cho các bếp ăn, đơn vị cung cấp suất ăn nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm ATTP" - bà Lan nhìn nhận.
Bà Lan nhấn mạnh đến hoạt động tăng cường thanh kiểm tra theo địa bàn. "Gần đây nhất, từ ngày 1 đến 29-10, chúng tôi đã kiểm tra 100% các cơ sở thực phẩm trong khối trường học của TP HCM, từ mầm non đến THCS, từ tư thục đến công lập. Đến các trường học, mọi người dễ nghe trường than vì sao cán bộ ATTP đến hoài. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng phòng ngừa hơn chữa trị nên tăng cường kiểm tra trước khi xảy ra sự cố. Tuy vậy, thực tế là ngộ độc thực phẩm trong khối trường học vẫn xảy ra lai rai", bà Lan nói.
Tự kiểm tra theo 3 cấp
Liên quan đến vụ "Phụ huynh bật khóc khi chứng kiến bữa ăn bán trú" xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Bưởi (quận 9 - TP HCM) mà Báo Người Lao Động liên tục thông tin trong những ngày qua, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 4-11, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết việc kiểm tra, giám sát các bữa ăn bán trú trước hết là tự các trường; các phòng GD-ĐT tự kiểm tra, giám sát, có sự phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP HCM cũng có nhiều hình thức, nhiều thời điểm kiểm tra. Tùy vào thời điểm mà sở sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan, hoặc mình sở kiểm tra.
"Ngoài các chủ trương và văn bản hướng dẫn, ở từng đợt kiểm tra sở đều có ghi nhận và điều chỉnh đối với những nội dung chưa phù hợp" - ông Trọng nói.
Một phó hiệu trưởng phụ trách bán trú của một trường học cho rằng theo nguyên tắc thì phụ huynh nào cũng được kiểm tra bữa ăn trưa của con. Nhưng thực tế không phải vậy, nhiều trường tự quyết định chỉ những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh mới được kiểm tra.
Cơ chế kiểm tra không công khai, dân chủ nên mới đây, một phó ban đại diện hội phụ huynh tại một trường THCS ở quận 10 từ chối tiếp tục tham gia ban đại diện do trưởng ban thay vì phổ biến rộng rãi cho tất cả phụ huynh thì lại chỉ chọn lớp 1 là cho phụ huynh được đi kiểm tra bữa ăn bán trú. Điều này dấy lên nghi ngại ban đại diện vẫn là "cánh tay phải" của trường, nếu có gì khuất tất thì phụ huynh cũng không thể nào biết.
Trong khi đó, theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học thực hiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định; 100% bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học chấp hành các quy định về ATTP, vận hành hệ thống tự kiểm tra ATTP theo 3 cấp trong khối giáo dục.
Đặc biệt, các nhà trường kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh và căng-tin trong trường học bảo đảm an toàn theo quy định; tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm...; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm. Nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, "Chuỗi thực phẩm an toàn", giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc các chứng nhận quốc tế khác về ATTP.