Kiểm tra sức khỏe cho lái xe vận tải: Đã phản ánh đúng thực chất?!
Tình trạng sức khỏe của lái xe là một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông (ATGT). Chính vì vậy, siết chặt công tác kiểm tra sức khỏe (KTSK) cho lái xe, nghiêm cấm những người không đủ điều kiện tham gia giao thông là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng sức khỏe của các lái xe gặp không ít khó khăn, trở ngại, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng.Bài 1: Đã phản ánh đúng thực chất?!Bài 2: Những việc cần làm ngay
Thời gian qua, để góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản cho hành khách, ổn định trật tự ATGT, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, chú trọng vấn đề sức khỏe của lái xe. Các ngành: Giao thông vận tải (GTVT), Y tế và lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả công tác KTSK cho lái xe và thu được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này đã được phản ánh đúng thực chất hay chưa vẫn là câu chuyện đáng để bàn.
Sức khỏe người lái xe, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần là yếu tố quyết định đến việc phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông (TNGT). Bởi, lái xe chính là người trực tiếp ra quyết định và thực hiện việc xử lý các tình huống giao thông, nếu không bảo đảm sức khỏe và sự minh mẫn để điều khiển phương tiện, nguy cơ xảy ra tai nạn là điều khó tránh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 284 đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) với 3.612 phương tiện. Việc KTSK toàn diện cho lái xe không chỉ giúp các chủ doanh nghiệp (DN) biết được tình trạng sức khỏe của lái xe, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, có biện pháp phòng ngừa, phát hiện kịp thời lái xe không bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu mà hơn hết còn góp phần giảm thiểu TNGT, bảo đảm an toàn trên mỗi hành trình.
Xác định được điều đó, thời gian qua, Sở GTVT đã ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị KDVT phải bảo đảm lái xe đủ điều kiện sức khỏe khi tham gia giao thông; triển khai kế hoạch phối hợp với Sở Y tế KTSK toàn diện đối với lái xe tại đơn vị KDVT trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của các đơn vị. Riêng trong năm 2022, sở đã triển khai 5 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 15 đơn vị trên địa bàn tỉnh về điều kiện KDVT, bốc xếp hàng hóa, việc tuân thủ quy định về bảo đảm trật tự ATGT… và đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 167 trường hợp.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, Sở Y tế đã công bố các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đủ tiêu chuẩn thực hiện việc khám sức khỏe cho lái xe; ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Các cơ sở KCB để đủ điều kiện cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe đều phải bảo đảm về điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực, đồng thời, được Sở Y tế thẩm định và cấp giấy phép. Thông tin về những cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe cho lái xe thường xuyên được cập nhật và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của sở.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về cấp giấy khám sức khỏe đối với các cơ sở y tế trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của các cơ sở trong việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về khám sức khỏe và cấp giấy khám sức khỏe cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Năm 2022, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe cho 7.737 lượt lái xe, trong đó, phát hiện 9 trường hợp dương tính với ma túy; 3 tháng đầu năm 2023, tổ chức khám cho 4.487 lượt lái xe, phát hiện 1 trường hợp dương tính với ma túy (số liệu này chưa bao gồm Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới).
Rõ ràng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, công tác KTSK cho lái xe vận tải thời gian qua đã được thực hiện khá đồng bộ, có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có những khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong việc xét nghiệm các chất ma túy, bởi các cơ sở KCB chỉ mới triển khai phương pháp xét nghiệm bằng nước tiểu.
Với phương pháp này, kết quả chỉ cho biết có dương tính với chất ma túy hay không nhưng không phân biệt được đó là chất ma túy gì. Mặt khác, một số chất ma túy hiện nay rất khó phát hiện như ma túy đá hoặc chất ma túy chỉ tồn tại trong cơ thể người sử dụng một thời gian nhất định, do đó, có thời điểm xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng có thời điểm lại âm tính. Và con số 9/7.737 hay 1/4.487 lái xe bị phát hiện dương tính với ma túy liệu đã phản ánh đúng thực chất hay không vẫn là một dấu hỏi.
Ông Hoàng Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT cho biết: Việc khám sức khỏe của tài xế hiện đang được triển khai khi làm hồ sơ thi giấy phép lái xe (GPLX), thi tuyển vào các DN. Các đơn vị KDVT còn phải thực hiện KTSK lái xe định kỳ theo quy định, bao gồm cả việc kiểm tra chất ma túy. Đối với các DN có lượng xe lớn, thường họ sẽ chủ động mời cơ sở y tế đủ điều kiện về trực tiếp kiểm tra tại DN. Trong khi đó, những DN nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1-2 lái xe thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Điều này dấy lên câu hỏi liệu tình hình khám và cấp giấy có thực chất hay không? Các lái xe tư nhân, hộ kinh doanh có thực hiện việc KTSK theo quy định? Những DN tiếp nhận lái xe có thể kiểm chứng giấy chứng nhận sức khỏe trong hồ sơ xin việc hay không?
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở KCB đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc khám sức khỏe cho lái xe gồm: Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Giám định y khoa-pháp y tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 3 phòng khám đa khoa tư nhân, gồm: Trí Tâm, Phương Bình và Tân Phước An.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24, người lái xe phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe và chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế, GTVT hoặc của người sử dụng lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ (6 tháng một lần), đột xuất cho lái xe thuộc quyền quản lý; quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe theo đúng quy định của pháp luật về lao động...
Quy định trên giấy tờ thì đầy đủ, song có được hiện thức hóa cụ thể trên thực tế hay không lại là vấn đề khác. Qua khảo sát một số đơn vị KDVT trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều DN không tổ chức khám đúng thời gian quy định, mỗi năm chỉ tổ chức một lần, thậm chí nhiều DN thả nổi việc này cho lái xe. Cũng có DN thực hiện KTSK định kỳ cho lái xe, song việc kiểm tra không được tiến hành một cách thực chất, nên khó loại bỏ lái xe nghiện ma túy và các chất kích thích…
Theo đánh giá của hai ngành GTVT và Y tế, mặc dù được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng vẫn còn "khe hở" để lọt đối tượng sử dụng chất gây nghiện. Bởi lẽ, việc giao cho các đơn vị vận tải chủ động khám sức khỏe cho lái xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị bố trí thời gian để các lái xe tham gia KTSK thì kết quả chỉ mang tính tương đối, hiệu quả không cao, đặc biệt là việc kiểm tra, xét nghiệm ma túy vì có báo trước về thời gian. Và khi các công cụ giám sát bằng cơ chế, bằng công nghệ đã có mà vấn đề vẫn tồn tại thì “lỗ hổng” chắc chắn nằm ở việc thực hiện có thực chất hay không.