Kiểm tra sức khỏe hậu COVID cần khám những gì?

Ho kéo dài, đuối sức, mất ngủ... được cho là những triệu chứng tiêu biểu của hội chứng hậu COVID khiến nhiều người hoang mang, tự ý mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia đây là lầm tưởng rất lớn, có thể gây nguy hại đến sức khỏe.

Số F0 tăng cao trên cả nước, với phần lớn các trường hợp mắc tự theo dõi và điều trị tại nhà. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, các trường hợp này trở lại sinh hoạt và làm việc như "bình thường mới". Song không ít người có các triệu chứng mất ngủ, ho dai dẳng... và nghĩ rằng đây là vấn đề hậu COVID.

Các bác sĩ tư vấn hỗ trợ điều trị COVID thường xuyên nhận được các câu hỏi như: Hậu COVID có thường gặp không? Ai nên đi khám hậu COVID? Khi nào thì cần đi khám? Khám hậu COVID ở đâu?

Với kinh nghiệm tham gia công tác chống dịch trên địa bàn quận Nam Từ Liêm suốt nhiều tháng qua, BS Nguyễn Công Hân, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị quốc tế Hà Nội cho rằng, rất khó để xác định chính xác hội chứng hậu COVID mà không thông qua các xét nghiệm y khoa.

BS Nguyễn Công Hân, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị quốc tế Hà Nội.

BS Nguyễn Công Hân, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị quốc tế Hà Nội.

Hội chứng hậu COVID có thường xảy ra không?

Theo BS Nguyễn Công Hân, không phải bệnh nhân mắc COVID nào cũng bị hậu COVID. Các nghiên cứu về khả năng bị hội chứng hậu COVID cho nhiều số liệu khác nhau giao động từ 15-40%, đa số vào khoảng 25%. Trẻ càng nhỏ, càng ít bị hậu COVID. Hầu hết trẻ nhỏ triệu chứng rất ngắn và phục hồi bình thường rất nhanh, còn nhanh hơn cúm mùa, nhất là chủng omicron. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có thể bị hậu COVID. Hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) là biến chứng hậu COVID nghiêm trọng nhất ở trẻ em, có thể xảy ra sau 4-6 tuần nhiễm virus SARS-CoV-2, tỷ lệ mắc khoảng 5 trẻ trên 1 triệu ca.

Bác sĩ khuyến cáo, một số nhóm F0 sau khi âm tính cần chú ý vấn đề khám hậu COVID đó là nhóm người có bệnh nền như: mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa...; nhóm người từ 60 tuổi trở lên; các F0 phải nhập viện điều trị do bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy, sốt cao không đáp ứng thuốc… cần tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần.

Với nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì cần đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID. Nhóm F0 là trẻ nhỏ khi thấy xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không.

"Hội chứng hậu COVID cần được lưu ý bởi nó không chỉ gây mệt mỏi thể chất và tinh thần, mà các triệu chứng kéo dài còn ảnh hưởng đến các phổi, tim mạch, thận, não và các cơ quan khác. Nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID nhưng đến khám muộn làm tình trạng thêm nặng nề, tăng tỷ lệ nhập viện, đặc biệt ở nhóm có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết… Tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương đã ghi nhận nhiều ca bệnh nhân bị tổn thương phổi mức độ nặng sau khi nhiễm COVID mặc dù tình trạng sức khỏe khi tới thăm khám ở mức ổn định", BS Công Hân cho biết.

Cũng theo BS Công Hân, việc đi kiểm tra sức khỏe hậu COVID là rất cần thiết. Với sự hỗ trợ của các xét nghiệm y khoa, bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chính xác và toàn diện hơn về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Điều này cũng giúp tối ưu quá trình chẩn đoán và kê đơn thuốc. Vì vậy, sau khi khỏi bệnh, người đã mắc COVID được khuyến khích nên đi khám hậu COVID để giảm thiểu tối đa các tổn thương không mong muốn.

Nên đi khám hậu COVID vào thời điểm nào?

Hội chứng hậu COVID có thể xảy ra với bất kỳ bệnh nhân nhiễm virus SARS-Cov-2, kể cả những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Người mắc COVID-19 nên theo dõi sức khỏe trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm bệnh cho đến khi đã khỏi bệnh để hạn chế những nguy cơ hậu COVID có thể gây ra.

Để giảm tỷ lệ nhập viện do hậu COVID, sau 6-8 tuần kể từ khi mắc COVID-19, người dân nên chủ động đi khám để kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc các triệu chứng kéo dài của COVID-19.

Trả lời câu hỏi vì sao 6-8 tuần là thời gian phù hợp nhất cho kiểm tra sức khỏe hậu COVID, BS Hân chia sẻ thời gian tối thiểu sau 4 tuần, các triệu chứng mới được gọi là tình trạng hậu COVID. Trước thời gian đó, bệnh nhân vẫn còn tồn tại một số biểu hiện bất thường, có thể là dấu hiệu mới hoặc triệu chứng tái phát. Vậy nên, thời gian 6-8 tuần là thời điểm thích hợp nhất để đánh giá và kiểm tra sức khỏe sau khi mắc COVID-19. Kết quả kiểm tra tại thời điểm này cũng sẽ tối ưu và chính xác hơn các giai đoạn khác.

Trường hợp không có dấu hiệu gì bất thường, người dân có thể cân nhắc đi kiểm tra sức khỏe thông thường như một kiểm tra định kỳ. Thời gian tùy sắp xếp nhưng không muộn hơn 6 tháng từ khi phơi nhiễm.

Kiểm tra sức khỏe hậu COVID cần khám những gì?

Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm chí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị hậu COVID với biểu hiện chức năng ở nhiều cơ quan, trong đó, phổi là cơ quan bị ảnh hưởng trực tiếp, kéo dài với tỷ lệ cao, nên phục hồi chức năng hệ hô hấp cần phải được quan tâm và đặt lên hàng đầu.

⦁ Nhóm triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, thay đổi giọng nói, sốt.
⦁ Nhóm triệu chứng cơ quan hô hấp, tim mạch: Khó thở, cảm giác hụt hơi, ho kéo dài, đau ngực.
⦁ Nhóm triệu chứng tâm thần kinh và nội tiết: Đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ, mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác, trầm cảm hoặc lo âu, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…
⦁ Nhóm triệu chứng tiêu hóa: Đau dạ dày, tiêu chảy, rối loạn chức năng đại tràng.

Thông thường tầm soát sức khỏe hậu COVID sẽ cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá và chẩn đoán tình trạng các cơ quan, kiểm tra tình trạng viêm, đông máu và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra. Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được bác sĩ chỉ định khi kiểm tra sức khỏe hậu COVID bao gồm:

⦁ Xét nghiệm máu cơ bản: Tổng phân tích tế bào máu, Đông máu cơ bản, Ure, Creatinnine, AST, ALT, GGT, Acid Uric, Glucose máu, 4 chỉ số mỡ máu (Triglycerid, Cholesterol, HDL, LDL),…
⦁ Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu.
⦁ Điện tim
⦁ Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang hoặc tốt nhất là nên chụp CT phổi lát mỏng độ phân giải cao, đo chức năng hô hấp, siêu âm (ổ bụng, tim), MRI nếu có triệu chứng lâm sàng thần kinh trung ương...

Tùy từng trường hợp cụ thể khi khám trực tiếp mà bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí phí thời gian và tiền bạc vào các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh. Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng quá mức, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) thì hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được thăm khám và xác định hướng điều trị phù hợp nhất./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/kiem-tra-suc-khoe-hau-covid-can-kham-nhung-gi-post932891.vov