Kiểm tra việc triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp tại huyện Tân Sơn
PTĐT - Ngày 24/2, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND tỉnh tại huyện Tân Sơn.
Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, huyện Tân Sơn tăng cường lãnh, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung rà soát, lựa chọn các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương để hỗ trợ phát triển. Trong đó tập trung hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ; hỗ trợ phát triển cây bưởi; phát triển rừng sản xuất, trọng tâm là thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc…
Sau khi kiểm tra thực tế mô hình nuôi gà nhiều cựa ở xã Tân Phú, chuyển hóa rừng gỗ lớn ở xã Thạch Kiệt, cơ sở giết mổ gia súc ở xã Thu Cúc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao sự chủ động của địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 05. Huyện đã bám sát các nội dung của Nghị quyết, triển khai nhanh chóng với các chương trình, dự án cụ thể. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ, đặc thù, vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thời gian tới, huyện cần tiếp tục tập trung chỉ đạo có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển các cây con chủ lực, thế mạnh của địa phương. Đối với chương trình cây chè, phải tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn với giống chè đặc sản có sử dụng phân bón hữu cơ; những diện tích chè không đạt chất lượng cần trồng thay thế, bổ sung; tiếp tục phát triển các HTX; đẩy mạnh liên kết chuỗi, trong đó thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này. Đối với chủ trương chuyển hóa rừng gỗ lớn, cần rà soát diện tích chuyển hóa, phải đánh giá chính xác chất lượng rừng, mật độ; lựa chọn hộ thực hiện. Đồng thời chú trọng lựa chọn xây dựng những dự án trồng rừng gỗ lớn đảm bảo tính dài hơi, đúng mục đích.
Đồng chí cũng lưu ý việc phát triển giống gà nhiều cựa là một trong những lợi thế của huyện nên cần phát triển theo hướng bài bản, phải đánh giá được chất lượng gà giống, tiến hành lựa chọn, tạo được nguồn giống gốc chuẩn dựa trên cơ sở khoa học để chủ động trong việc sản xuất giống và cần có sự hỗ trợ kịp thời phát triển giống gà quý này. Huyện cũng cần nghiên cứu phát triển vùng cây ăn quả, trong đó có cây bưởi theo hướng trang trại, quy mô lớn…Việc xây dựng lò giết mổ gia súc cần tính toán lựa chọn vị trí phù hợp để không ảnh hưởng đến môi trường sau giết mổ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ công tác an toàn thực phẩm.