Kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeID: 'Lợi ích kép'

Kể từ ngày 1/7/2024, khi Thông tư số 28/2024/TT-BCA do Bộ Công an ban hành có hiệu lực, người dân có thể xuất trình thông tin các giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện cho lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý qua ứng dụng VNeID, thay vì phải xuất trình giấy tờ bản cứng như trước đây. Việc này đem lại nhiều tiện ích cho người dân cũng như lực lượng chức năng.

Cán bộ Cảnh sát giao thông kiểm tra thông tin giấy tờ được tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Cán bộ Cảnh sát giao thông kiểm tra thông tin giấy tờ được tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Trong một ca tuần tra, kiểm soát của Công an TP. Thái Nguyên trên đường Cách mạng Tháng Tám, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự chỉ mất hơn 1 phút để kiểm tra đối với mỗi trường hợp đã thực hiện định danh điện tử mức độ 2 và tích hợp các loại giấy tờ cá nhân lên ứng dụng VNeID.

Thiếu tá Vũ Tiến Thịnh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an TP. Thái Nguyên), cho biết: Khi người dân đã tích hợp các loại giấy tờ trên VNeID, chúng tôi chỉ cần yêu cầu họ mở ứng dụng trên điện thoại và kiểm tra. Quy trình kiểm tra được rút ngắn, đồng thời khiến những lý do chống chế như: “quên giấy tờ”, “đang đi làm lại giấy tờ”, “vừa mất hôm trước”… không còn hiệu quả.

Cùng với sự thuận tiện cho lực lượng chức năng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông qua VNeID cũng mang đến nhiều lợi ích cho người dân. Chị Trần Thủy Tiên ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) nói: Khi Cảnh sát giao thông kiểm tra, tôi chỉ cần truy cập ứng dụng là có thể trình đủ các loại giấy tờ.

Còn anh Vũ Quốc Anh, xã Nga My (Phú Bình), cho hay: Hầu như lúc nào tôi cũng mang theo điện thoại bên người nên rất thuận tiện. Việc tích hợp các loại giấy tờ lên VNeID cũng tránh được các trường hợp mất, thất lạc giấy tờ nên tôi rất ủng hộ.

Đối với công tác xử lý vi phạm giao thông, khi làm thủ tục, người dân chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh, không phải đi lại như trước. Việc nộp phạt cũng diễn ra trên môi trường điện tử. Sau khi người dân nộp phạt, cơ quan chức năng sẽ theo dõi, cho đến khi họ chấp hành xong thì làm thủ tục ra quyết định trả lại các giấy tờ cho người vi phạm trên môi trường điện tử.

Đối với trường hợp lái xe vi phạm bị tạm giữ, hoặc tước quyền sử dụng các giấy tờ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và biên bản tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký xe hoặc các giấy tờ có liên quan đã được tích hợp trên VNeID để tạm giữ trên môi trường điện tử và không tạm giữ bản giấy.

Các thông tin về tạm giữ được nhập vào cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó là đồng bộ với dữ liệu định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý và đồng bộ lên ứng dụng VNeID để giúp người lái xe, người vi phạm và chủ phương tiện biết được tình trạng giấy tờ của mình để chấp hành theo quy định của pháp luật.

Thiếu tá Nguyễn Đắc Thái Anh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, đánh giá: Theo Thông tư 28, việc kiểm tra thông tin được cập nhật trên ứng dụng VNeID có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ. Do vậy không chỉ giúp rút ngắn thời gian, minh bạch thông tin, kiểm tra, xử lý giao thông trên VNeID, mà còn giúp lực lượng Cảnh sát giao thông có thể xử lý các trường hợp cố tình điều khiển phương tiện khi đã bị tạm giữ giấy phép trước đó. Đồng thời còn chống được tình trạng làm giả giấy phép lái xe, giấy đăng ký.

Cảnh sát giao thông (Công an TP. Thái Nguyên) giải thích với người dân về chủ trương xử lý vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeID.

Cảnh sát giao thông (Công an TP. Thái Nguyên) giải thích với người dân về chủ trương xử lý vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeID.

Tuy mang lại nhiều hiệu quả nhưng sau gần 2 tháng triển khai vẫn còn khá nhiều người dân chưa hiểu rõ và chưa cập nhật kịp thời tiện ích này. Thiếu tá Vũ Tiến Thịnh chia sẻ: Trong một ca trực, chỉ có khoảng 30% người dân đã tích hợp đủ các loại giấy tờ trên ứng dụng VNeID. Một số khác vẫn quen sử dụng giấy tờ bản cứng hay chưa định danh mức độ 2, quên mật khẩu đăng nhập tài khoản định danh hoặc chưa tích hợp đủ các loại giấy tờ. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi đều hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng nhập và tuyên truyền về việc tích hợp giấy tờ lên ứng dụng.

Anh Vũ Văn Tân ở xã Thành Công (TP. Phổ Yên) nói: Tuy đã định danh mức độ 2 nhưng tôi mới tích hợp căn cước công dân lên ứng dụng VNeID. Sau khi được lực lượng chức năng giải thích, tuyên truyền, tôi đã tích hợp các loại giấy tờ khác và đang trong thời gian chờ xác nhận.

Một số khó khăn khác là dù đã cài VNeID, nhưng nếu điều khiển xe không chính chủ, lái xe vẫn phải xuất trình giấy tờ bản giấy hoặc kết nối Internet ở chốt kiểm tra không ổn định cũng là một trong những yếu tố khó khăn khi thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông qua VNeID.

Thêm nữa, việc xử phạt, tạm giữ giấy tờ online khá thuận tiện ở khu vực thành thị, nhưng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì khó khăn hơn do sóng điện thoại và đường truyền không ổn định.

Từ thực tế này, việc nhanh chóng khắc phục những khó khăn trước mắt trên sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông, bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202408/kiem-tra-xu-ly-vi-pham-giao-thong-qua-ung-dung-vneid-loi-ich-kep-5bd2eed/