Kiện chính quyền vì không cho ... đỡ đẻ

Chính quyền bang Hawaii (Mỹ) đang bị nhóm nữ hộ sinh bản địa Hawaii kiện vì ra quy định mới không cho họ hành nghề truyền thống này.

Bà Ki'i Kaho'ohanohano là một nữ hộ sinh bản địa Hawaii (Mỹ). Sự nghiệp chăm sóc thai phụ kéo dài 2 thập niên của bà buộc phải kết thúc vào ngày 1-8-2023.

Sau ngày 1-7-2023, Luật cấp phép hộ sinh của bang Hawaii yêu cầu tất cả nhân viên hộ sinh, thậm chí cả những nữ hộ sinh bản địa Hawaii vốn được xem chuyên gia y học bà Kaho'ohanohano, phải có giấy phép hộ sinh mới được hành nghề. Những người không có giấy phép hộ sinh có thể bị phạt 2.000 USD (hơn 49 triệu đồng) và phải ngồi tù 1 năm, nếu bị bắt quả tang đang chăm sóc, tư vấn cho phụ nữ mang thai và gia đình những người dân tại đây, theo tờ The Guardian.

 Bà Ki’i Kaho‘ohanohano (trái) và bà Makalani Franco-Francis – hai nguyên đơn trong vụ kiện bang Hawaii. Ảnh: THE GUARDIAN

Bà Ki’i Kaho‘ohanohano (trái) và bà Makalani Franco-Francis – hai nguyên đơn trong vụ kiện bang Hawaii. Ảnh: THE GUARDIAN

Hôm 27-2, Trung tâm Quyền Sinh sản (trụ sở tại Mỹ) đã đệ đơn kiện chính quyền bang Hawaii lên Tòa án Khu vực thứ nhất của Hawaii. Phía trung tâm cho rằng các nhà lập pháp tiểu bang đã hình sự hóa phong tục sinh nở của người bản địa và xóa bỏ dịch vụ chăm sóc y tế cho phụ nữ mang thai cùng các gia đình trên khắp Hawaii.

Trung tâm Quyền Sinh sản nộp đơn kiện đại diện cho 9 nguyên đơn, bao gồm các nữ hộ sinh bản địa Hawaii, sinh viên hộ sinh và phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai. Bà Kaho'ohanohano là thành viên của mạng lưới các nữ hộ sinh bản địa Hawaii và cũng là một nguyên đơn trong vụ kiện lần này.

Xung quanh vụ kiện

Luật cấp phép hộ sinh của bang Hawaii lần đầu được thông qua vào năm 2019. Luật này cho phép các nhân viên hộ sinh bản địa Hawaii không có chứng chỉ hành nghề tiếp tục làm việc cho đến tháng 7-2023. Theo luật này, kể từ ngày 1-7-2023, chỉ những nhân viên hộ sinh được cấp phép mới được phép thực hiện dịch vụ hộ sinh ở Hawaii.

Quy định phức tạp cùng chi phí đắt đỏ khiến nhiều nhân viên hộ sinh bản địa Hawaii không thể thi lấy chứng chỉ. Họ cũng cho rằng truyền thống chữa bệnh của người Hawaii bản địa giá trị hơn những chứng chỉ được chính quyền công nhận.

Vào tháng 1-2023, bà Natalia Hussey-Burdick – thành viên cơ quan lập pháp Hawaii – đã trình dự luật đề nghị cho phép các nhân viên hộ sinh bản địa Hawaii tiếp tục hành nghề sau tháng 7-2023. Dự luật cũng đề nghị cho phép các nhân viên hộ sinh tập sự – những sinh viên được đào tạo thực hành ngành chăm sóc sức khỏe bà mẹ – được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần thi.

Tuy nhiên, dự luật này đã không được cơ quan lập pháp Hawaii đưa ra thảo luận và do đó không được thông qua.

Trả lời The Guardian, các luật sư của Trung tâm Quyền Sinh sản cho rằng các quy định trong Luật cấp phép hộ sinh của Hawaii quy định rất mơ hồ về vai trò của nhân viên hộ sinh. Theo đó, luật “về cơ bản yêu cầu bất kỳ ai cung cấp lời khuyên, thông tin hoặc chăm sóc người mang thai, sinh nở và sau sinh phải có chứng chỉ cụ thể của tiểu bang”.

Theo Trung tâm Quyền sinh sản, quy định này làm giảm hiệu quả việc hỗ trợ cho các thai phụ tại Hawaii – bang vốn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đủ cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe các bà mẹ.

 Một em bé được nhân viên hộ sinh chăm sóc tại nhà ở Hawaii. Ảnh: HONOLULU CIVAL BEAT

Một em bé được nhân viên hộ sinh chăm sóc tại nhà ở Hawaii. Ảnh: HONOLULU CIVAL BEAT

Đơn kiện cũng cho rằng các nhà lập pháp tiểu bang đã tạo ra những rào cản một cách vô lý, nhằm cản trở tương lai của những sinh viên người Hawaii bản địa học ngành hộ sinh. Đơn kiện cũng cáo buộc chính quyền bang đi ngược lại những quy tắc cơ bản của luật pháp Hawaii, bao gồm quy định “bảo vệ tất cả quyền theo thông lệ và truyền thống” của người Hawaii bản địa.

Vai trò của các nhân viên hộ sinh người Hawaii bản địa

Bà Kaho'ohanohano cho biết từ tháng 8-2023 bà buộc phải từ chối những gia đình nhờ bà cho lời khuyên trong quá trình mang thai và sinh nở.

“Tôi được người dân ở đây biết đến như một nguồn lực – một người có thể giúp đỡ các thai phụ. Tại sao tôi không thể sử dụng kiến thức mình có để giúp đỡ chính mình, giúp đỡ các gia đình tại địa phương?” – bà nói.

Trước đây, bà Kaho‘ohanohano thường đến tận nhà thai phụ để chăm sóc. Theo The Guardian, những nữ hộ sinh như bà Kaho‘ohanohano có vai trò quan trọng trong việc khám chữa bệnh cho các thai phụ tại những vùng xa xôi của Hawaii, vốn khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc của bệnh viện.

Điển hình, bệnh viện duy nhất của đảo Maui (thuộc Hawaii) cách khu dân cư nông thôn ở phía đông Maui khoảng 3 giờ lái xe. Đường cao tốc dài và quanh co nối phía đông Maui với bệnh viện thường xuyên bị tắc nghẽn do lượng lớn khách du lịch.

Trong quần đảo Hawaii, bệnh viện tại những hòn đảo nhỏ như Lāna‘I không có dịch vụ hỗ trợ sinh con, các bà mẹ sắp sinh phải bay đến đảo O‘ahu để sinh con. Chuyến đi này khá đắt đỏ so với nhiều gia đình tại đây. Bảo hiểm y tế có thể chi trả vé máy bay cho thai phụ, nhưng họ phải đi một mình và không có người thân bên cạnh.

Bà Kaho'ohanohano cho rằng đó là một trải nghiệm tồi tệ. Điều này trái ngược với phong tục của người Hawaii bản địa, khi họ sinh nở là khoảnh khắc thiêng liêng, có thể đưa các gia đình đến gần nhau hơn và gần tổ tiên hơn.

Theo Trung tâm Quyền Sinh sản, kể từ sau tháng 7-2023, những bà mẹ không đủ khả năng đi đến các bệnh viện thường buộc phải sinh con tại nhà mà không có người trợ giúp.

 Các nhân viên hộ sinh bên ngoài cơ quan lập pháp bang Hawaii hồi tháng 3-2023. Ảnh: HONOLULU CIVIL BEAT

Các nhân viên hộ sinh bên ngoài cơ quan lập pháp bang Hawaii hồi tháng 3-2023. Ảnh: HONOLULU CIVIL BEAT

Nếu không có luật mới bảo vệ công việc của các nữ hộ sinh người Hawaii bản địa, bà Kaho‘ohanohano và các đồng nghiệp của bà có nguy cơ bị truy tố nếu tiếp tục hành nghề hộ sinh.

Để trở thành nhân viên hộ sinh, bà Kaho'ohanohano và những người khác đã trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu kéo dài nhiều năm. Trong đó, họ được học và thực hành cùng với một nhân viên hộ sinh dày dặn kinh nghiệm hơn.

Bà Kaho'ohanohano muốn tiểu bang công nhận bà là một nhà thực hành văn hóa và giá trị của người Hawaii bản địa. Bà cho rằng đây là cách duy nhất để bà tiếp tục làm việc. Nếu được công nhận như vậy, bà cũng sẽ có thể tiếp tục giảng dạy cho thế hệ nhân viên hộ sinh tiếp theo, để các gia đình ở Hawaii “có thể tiếp tục được chăm sóc”.

Vì sao nhiều nhân viên hộ sinh người Hawaii bản địa không muốn lấy chứng chỉ hành nghề?

Theo The Guardian, nghề hộ sinh của Mỹ được quản lý thông qua một mạng lưới chứng chỉ phức tạp. Các chứng chỉ này bao gồm Nhân viên hộ sinh chuyên nghiệp được chứng nhận (CPM), Nhân viên hộ sinh được chứng nhận (CM) và Nhân viên y tá hộ sinh được chứng nhận (CNM).

Mỗi chứng chỉ có quyền hạn và trách nhiệm hơi khác nhau. Điển hình, người có chứng chỉ CPM không được phép kê đơn thuốc, trong khi người có chứng chỉ CM và CNM thì được phép.

Trước đây, bang Hawaii từng cấp chứng chỉ CPM cho những nhân viên hộ sinh đã hoàn thành chương trình học nghề và vượt qua kỳ thi. Tuy nhiên, luật mới của bang yêu cầu các nhân viên hộ sinh phải tham gia chương trình đào tạo được Hội đồng Chứng nhận Giáo dục Hộ sinh (MEAC) – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ – chứng nhận.

Tại Mỹ, MEAC chỉ phê duyệt 8 chương trình đào tạo. Tất cả chương trình này đều được tổ chức ở lục địa Mỹ. Do đó, đối với những nữ hộ sinh chưa có chứng chỉ và sinh viên hộ sinh ở Hawaii, việc tham gia các chương trình này là rất tốn kém.

Ngoài ra, đối với nhiều nhân viên hộ sinh bản địa Hawaii, việc học và lấy các chứng chỉ chuyên môn, giấy phép của nhà nước không nhiều lợi ích. Nhiều người cho rằng mô hình giáo dục hộ sinh của Tây y trái ngược với phong tục chữa bệnh của người Hawaii bản địa – vốn nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa người chữa bệnh, bệnh nhân và vùng đất tổ tiên của họ.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-chinh-quyen-vi-khong-cho-do-de-post778343.html