Kiên cố hóa trường học ở Yên Bái còn khiêm tốn, trường mong mỏi nhận thêm hỗ trợ

Ngày 16/10, đoàn của Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GDĐT) và một số phóng viên đã có buổi khảo sát việc thực hiện kiên cố hóa trường học tại Yên Bái.

Tại huyện Yên Bình, đoàn đến khảo sát Trường Mầm non xã Đại Đồng - một trong số những cơ sở giáo dục nhận được sự đầu tư trong kiên cố hóa trường, lớp.

Làm việc với đoàn có ông Vũ Quốc Hiếu , Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng; cô Vũ Thị Lý - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình; cô Trần Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đại Đồng (Yên Bình, Yên Bái).

 Trường mầm non xã Đại Đồng là điểm đến đầu tiên của đoàn. Ảnh: Đào Hiền

Trường mầm non xã Đại Đồng là điểm đến đầu tiên của đoàn. Ảnh: Đào Hiền

Chia sẻ với phóng viên, cô Trần Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đại Đồng cho biết, hiện nay, trường đang có 22 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 17 giáo viên và 2 nhân viên. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học sinh của trường là 170 em/7 lớp học.

Trước đây, khi nhà trường chưa được đầu tư thì cơ sở vật chất còn rất hạn chế. Điều kiện giảng dạy và chăm sóc trẻ còn nhiều khó khăn khi các lớp học chỉ là phòng học tạm. Tất cả mọi hoạt động của trẻ đều diễn ra tại một phòng chung.

Trong những năm vừa qua, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, ngành và nhiều đơn vị doanh nghiệp. Bên cạnh đó trường cũng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhiều bên cùng tham gia, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn khó khăn và hạn chế.

Theo chia sẻ của cô Hằng, ghi nhận từ tình hình thực tế, 100% hộ dân tại xã Đại Đồng đều làm nông nên thu nhập rất bấp bênh. Do đó, nhà trường khó có thể kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân trên địa bàn.

Trước tình hình đó, Trường mầm non xã Đại Đồng cùng các cấp kêu gọi các nguồn đầu tư bên ngoài để có thể hỗ trợ về mặt kinh phí, giúp đỡ nhà trường thực hiện kiên cố hóa trường học đạt chuẩn theo quy định.

“Năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã đầu tư cho nhà trường 6 phòng học kiên cố hóa với số tiền 3,5 tỷ đồng.

Quy mô xây dựng gồm 3 tầng, 6 phòng học diện tích sàn 932 m². Tháng 12/2020, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo phục vụ cho việc dạy và học của nhà trường, góp phần hỗ trợ địa phương cùng các cô trò nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho các cháu học sinh mầm non.

6 phòng học rất khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, đảm bảo quy chuẩn lớp học mầm non theo quy định. Nhờ vậy, đến nay trường đã được công nhận là trường học chuẩn quốc gia mức độ 2, đáp ứng được công tác dạy học và chăm sóc trẻ mầm non đạt chuẩn.

Đây là một dự án có ý nghĩa thiết thực góp phần cải thiện môi trường giáo dục xã Đại Đồng nói riêng cũng như huyện Yên Bình nói chung khi điều kiện về cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu trường, lớp học”, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đại Đồng chia sẻ.

 Các lớp học mới của Trường mầm non xã Đại Đồng khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, đảm bảo quy chuẩn lớp học mầm non theo quy định. Ảnh: Đào Hiền

Các lớp học mới của Trường mầm non xã Đại Đồng khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, đảm bảo quy chuẩn lớp học mầm non theo quy định. Ảnh: Đào Hiền

 Nhà trường đã có phòng ngủ nghỉ riêng cho học sinh

Nhà trường đã có phòng ngủ nghỉ riêng cho học sinh

 Phòng hoạt động cho trẻ. Ảnh: Đào Hiền

Phòng hoạt động cho trẻ. Ảnh: Đào Hiền

Thông tin đến đoàn khảo sát, cô Vũ Thị Lý - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình cho hay: Trong các năm vừa qua, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường lớp.

Về phía phòng cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện để kêu gọi các nguồn lực, các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh có thể hỗ trợ, cùng chung tay vào việc xây dựng kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn và góp phần xây dựng bức tranh chung cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

 Cô Vũ Thị Lý - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình. Ảnh: Đào Hiền

Cô Vũ Thị Lý - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình. Ảnh: Đào Hiền

Trong quá trình thực hiện xã hội hóa cũng như thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng trường tiến tới đạt chuẩn quốc gia, cô Lý cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình đã phối hợp với Đảng ủy xã cũng như chỉ đạo các trường trên địa bàn tích cực trong các hoạt động tuyên truyền, phấn đấu xây dựng trường lớp đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

Đối với Trường mầm non xã Đại Đồng, cô Lý bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi khi nhà trường nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

“Nhờ sự đầu tư đó, nhà trường đã có một dãy các phòng học khang trang, tiện nghi, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo một môi trường học tập cho các con được tốt hơn", cô Lý bày tỏ.

 Kiên cố hóa trường lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Đào Hiền

Kiên cố hóa trường lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Đào Hiền

Sau đó, đoàn khảo sát đến thăm Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Khác với điểm trường đầu tiên, cho đến thời điểm hiện tại, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm vẫn đang cố gắng thực hiện kiên cố hóa trường học.

Ông Hoàng Đình Hiền - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: Trong những năm gần đây, công tác xã hội hóa giáo dục của địa phương đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cùng nhiều đơn vị, tổ chức.

Trong quá trình xã hội hóa kiên cố trường học, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho nhà trường và doanh nghiệp thực hiện và hoàn thành tốt các dự án, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, xã Nghĩa Tâm còn 70 hộ nghèo và nhìn chung điều kiện kinh tế của xã còn khó khăn, hạn chế.

Do đó, trong quá trình thực hiện xã hội hóa khi phải huy động đến lực lượng nhân dân, địa phương chỉ có thể kêu gọi nhân dân hỗ trợ phần công như tham gia vào việc xây dựng, chỉnh trang khuôn viên trường lớp chứ không thể kêu gọi nhân dân ủng hộ về mặt tài chính.

 Phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: Đào Hiền

Phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: Đào Hiền

Đối với Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, theo thống kê, hiện trường có gần 50 học sinh là đồng bào Mông, nhà cách xa điểm trường khoảng 10km.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Tâm, trước đây học sinh dân tộc Mông thuộc diện được hưởng chính sách “bán trú dân nuôi" theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, đối với các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ nhận được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo mỗi tháng.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì có nhiều em không còn thuộc các khu vực đặc biệt khó khăn để được nhận hỗ trợ.

Khi đó chính quyền địa phương phối hợp với nhà trường và các cấp thực hiện xã hội hóa để huy động các nguồn lực đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ các em trong việc học tập cũng như có điều kiện bán trú tại trường.

Thông tin đến phóng viên, cô Hoàng Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với cơ sở vật chất của nhà trường trong các năm vừa qua cũng đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn đã tham mưu và xin đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy và học cho nhà trường.

Hiện nay mặc dù trường vẫn còn một số phòng học tạm, điều kiện chưa đủ đáp ứng chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, nhà trường vẫn luôn cố gắng tu bổ cơ sở vật chất cũng như trang bị thêm một số thiết bị để phục vụ cho việc dạy và học được tốt hơn.

Theo đó, khó khăn lớn nhất của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm chính là chất lượng và số lượng của các phòng học tạm còn đang hạn chế về diện tích khiến cho việc trao đổi, giảng dạy của các thầy cô trên lớp đối với học sinh còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc một nhóm học sinh không còn được nhận hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo hàng tháng đang gây thêm áp lực cho nhà trường.

Theo kết quả ghi nhận thực tế điều kiện của các em hiện nay còn nhiều khó khăn khi khoảng cách từ nhà đến trường rất xa, hộ gần nhất là 7km và xa nhất là 9km.

Thứ hai chính là phương tiện đi lại của các hộ dân còn thiếu thốn nên việc đưa đón còn nhiều bất cập.

Với những hạn chế đó, nhà trường đã kêu gọi và kết nối sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều bên để duy trì bếp ăn bán trú cho 49 học sinh ăn ở tại trường.

Trước sự kêu gọi của nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn đã xây dựng thành công quỹ “Trò nghèo vùng cao" để hỗ trợ tiền ăn cho các em học sinh mỗi ngày.

Mặt khác, trường cũng nhận sự quyên góp, ủng hộ lương thực từ các hộ gia đình, cha mẹ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các con.

“Hiện nay, mong muốn lớn nhất của nhà trường chính là thời gian tới sẽ nhận được sự đầu tư từ các đơn vị để có nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi hơn. Qua đó tạo thêm điều kiện để thầy cô yên tâm công tác, giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, đảm bảo các tiêu chí theo quy định, tiến tới thực hiện lộ trình trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm 2026”, cô Hải bày tỏ.

 Số lượng và chất lượng các phòng học của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm còn nhiều hạn chế. Ảnh: Đào Hiền

Số lượng và chất lượng các phòng học của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm còn nhiều hạn chế. Ảnh: Đào Hiền

Theo thầy Nguyễn Văn Nguyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm cho sẻ, hiện nay thầy đang giảng dạy tại dãy phòng học tạm, số lượng học sinh là 33 em/lớp. Mặc dù lớp đã được trang bị cơ bản bàn ghế, bảng viết nhưng diện tích lớp học hạn chế chính là một trong những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của thầy.

“Hàng năm, nhà trường cũng đã tích cực, cố gắng đầu tư trang thiết bị mới cho các phòng học, tuy nhiên vẫn chưa được đồng bộ hoàn toàn. Do đó dù thầy cô giáo có tâm huyết, cố gắng tìm các phương pháp học tập và tổ chức nhiều hoạt động trên lớp để các em có thể phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất nhưng vì hạn chế không gian lớp học nên việc tổ chức các hoạt động ít nhiều bị ảnh hưởng.

Cụ thể, việc tổ chức các hoạt động nhóm, trao đổi tập thể trong các sinh hoạt cũng còn nhiều bất cập vì không gian, diện tích lớp không nhiều, thậm chí việc thầy cô đi lại, trao đổi với học sinh đôi khi cũng còn nhiều khó khăn", thầy Nguyên trăn trở.

 Cơ sở vật chất các phòng học tạm. Ảnh: Đào Hiền

Cơ sở vật chất các phòng học tạm. Ảnh: Đào Hiền

 Sĩ số đông trong khi diện tích lớp học còn hạn chế. Ảnh: Đào Hiền

Sĩ số đông trong khi diện tích lớp học còn hạn chế. Ảnh: Đào Hiền

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-co-hoa-truong-hoc-o-yen-bai-con-khiem-ton-truong-mong-moi-nhan-them-ho-tro-post246286.gd