Kiên định nguyên tắc, mục tiêu vì một Cộng đồng ASEAN thống nhất, rộng mở

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6 theo hình thức trực tuyến. Bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ASEAN tiếp tục kiên trì với các mục tiêu và nguyên tắc của mình, phấn đấu vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết thống nhất và rộng mở hướng tới cấu trúc khu vực hoạt động dựa trên luật lệ.

Đại dịch Covid-19 “gõ cửa” ASEAN và đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Không ngoại lệ, đại dịch Covid-19 “gõ cửa” ASEAN và đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Tuy nhiên, nói như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, những thách thức là cơ hội để Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, thể hiện qua việc ta đã chủ động và kịp thời tổ chức thành công nhiều hội nghị trực tuyến trong ASEAN và với các đối tác về phòng chống Covid-19, đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị, đúng như tinh thần chủ đề năm 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Đoàn kết, không hiểm họa nào có thể khuất phục

Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Thế chiến II và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Tuy vậy, trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, những giá trị cốt lõi quan trọng làm nên “bản sắc” ASEAN cũng như cùng với sự dẫn dắt và nỗ lực hết mình của Việt Nam – Chủ tịch ASEAN 2020, những gì ASEAN đã và đang làm được cho tới thời điểm hiện tại cho thấy chẳng hiểm họa nào có thể khuất phục.

Mặc dù phải hoãn, hủy rất nhiều cuộc họp đã được đề ra theo kế hoạch, tuy vậy, thời gian qua đã chứng kiến kỷ lục các cuộc họp trực tuyến của ASEAN, đặc biệt là về các nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN khác linh hoạt tổ chức với hình thức trực tuyến nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, y tế, kinh tế, quốc phòng…, cũng như các cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và với các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh.

Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách là Chủ tịch năm ASEAN 2020 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó với đại dịch Covid-19 đã tạo được tiếng vang trong dư luận quốc tế, cho thấy hình ảnh nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ động “hợp tác và thích ứng” và một tập thể ASEAN gắn kết, sẵn sàng hợp tác với các đối tác cùng đối mặt với “kẻ thù chung”.

Kế hoạch ngắn, dài hạn hậu dịch

Song song với việc phòng, chống dịch, ASEAN cũng đang cùng hướng tới việc khắc phục hậu dịch bệnh, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19, tăng cường hợp tác với các đối tác. Đây chắc chắn sẽ là những nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, trong các nỗ lực khắc phục dịch bệnh, cần đặt người dân ở vị trí trung tâm, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường cổ vũ ý thức Cộng đồng, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tinh thần đoàn kết quốc tế. Trước mắt, kịp thời triển khai hỗ trợ những nhóm yếu thế trong xã hội và các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp ổn định sản xuất – kinh doanh, duy trì các hoạt động giao thương.

Những thách thức là cơ hội để Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Nguồn: QT)

Trong dài hạn, ASEAN cần nâng cao sự tự cường, sức chống chịu và khả năng sẵn sàng ứng phó của mỗi quốc gia thành viên cũng như của cả Cộng đồng trước những cú sốc tương lai. Thúc đẩy kết nối, tăng đan xen lợi ích, giảm khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên sẽ là lời giải lâu dài cho những thách thức tương tự như Covid-19.

Ngay trong tháng 5 vừa qua, khi “cơn bão” Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, tình hình tại ASEAN đã có những dấu hiệu khả quan, nhiều nước trong khu vực đã từng bước mở cửa trở lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với vai trò là Chủ tịch các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi để trao đổi về kế hoạch phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng khu vực sau đại dịch Covid-19, triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về ứng phó với dịch Covid-19.

“Tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng”, “ASEAN chính là mái nhà chung để chúng ta cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này”… chính là những thông điệp quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng: “Thử thách này không thể khuất phục chúng ta, mà trái lại sẽ tạo động lực để chúng ta cùng nhau vươn lên mạnh mẽ hơn, thực sự là một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào”.

Duy trì và phát huy sáng kiến

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong giai đoạn đầy thách thức, lèo lái con thuyền ASEAN vượt qua đại dịch chắc chắn gặp không ít khó khăn nhưng Việt Nam đã luôn luôn nêu cao được tinh thần trách nhiệm và quyết tâm kề vai sát cánh cùng các nước thành viên. Mặc dù dịch bệnh đã làm xáo trộn nhiều chương trình làm việc của ASEAN, tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực hết mình duy trì các sáng kiến đã đề ra, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 này thể hiện rõ điều đó.

Năm nay là một năm đặc biệt với các sự kiện ý nghĩa như 90 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 25 năm Liên hợp quốc có nghị quyết đầu tiên về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Khi các trụ cột là Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế trong Cộng đồng ASEAN được chú trọng thì chúng ta cũng cần phải thúc đẩy Cộng đồng Văn hóa – xã hội. Trong thời đại số hiện nay có rất nhiều vấn đề đặt ra cho từng quốc gia, do vậy, ASEAN phải bàn những vấn đề thiết thực và có những hành động cụ thể để giúp cho người dân, phụ nữ và thế hệ trẻ trong cuộc sống hàng ngày.

Rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều thách thức cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vẫn phát huy tốt vai trò và có những bước đi đúng hướng, giúp đẩy mạnh đoàn kết và thống nhất khối, duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Đại dịch đã cho thấy chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam đề ra cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 “thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết” (Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh). Những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang triển khai trong vai trò Chủ tịch ASEAN thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần của chủ đề này, thực sự biến lời nói thành hành động cụ thể.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.

Trước đó, trong các ngày 22-24/6, diễn ra các Hội nghị trù bị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 23.

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kien-dinh-nguyen-tac-muc-tieu-vi-mot-cong-dong-asean-thong-nhat-rong-mo-118087.html