Kiên định với chiến lược zero Covid-19, Trung Quốc có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào bất ổn
Với vai trò là 'công xưởng sản xuất toàn cầu', việc nền kinh tế Trung Quốc suy yếu do kiên định thực hiện chiến lược zero Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Tháng 8/2020, Vũ Hán, thành phố nơi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện, đã khiến cả thế giới phải ghen tị với hình ảnh những đám đông du khách vui chơi trong công viên giải trí, tiệc tùng bên các hồ bơi, trong khi phần còn lại của thế giới phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế sau làn sóng dịch khốc liệt đầu tiên.
Thành phố này đang tuyên bố chiến thắng đại dịch bằng những cảnh tượng không thể vui vẻ hơn. Đó là sự thành công rõ ràng của chiến lược zero Covid-19 của Trung Quốc.
Một năm sau, Vũ Hán đang xét nghiệm toàn bộ dân số trong bối cảnh biến thể Delta đã lan rộng tại hơn 20 thành phố ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã yêu cầu người dân không đi du lịch và kết nối giao thông giữa các vùng đã bị chặn nhằm kiểm soát việc đi lại.
Theo ấn phẩm khoa học trực tuyến Our World In Data, các quy định phòng dịch của Trung Quốc khắc nghiệt hơn đáng kể so với Vương quốc Anh, Mỹ hoặc thậm chí là New Zealand - nhà vô địch của chiến lược zero Covid-19. Vậy điều gì đã xảy ra?
Chiến lược zero Covid-19 còn phù hợp?
Ở khía cạnh nào đó, Trung Quốc chỉ ghi nhận dưới 100.000 ca mắc và dưới 5.000 ca tử vong do Covid-19. Việc Bắc Kinh áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn những đợt bùng phát dịch nhỏ nhất đã được coi như "tấm gương" để phần còn lại của thế giới noi theo. Các quốc gia, bao gồm Anh, đã kêu gọi thực hiện các chiến dịch tương tự.
Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại, Trung Quốc đang mắc kẹt trong trò chơi "đập búa diệt chuột" không có hồi kết, với việc loại bỏ thay vì học cách sống chung với Covid-19 như một dịch bệnh lây lan nhưng không quá nguy hiểm.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất cố gắng xóa bỏ Covid-19. Australia đã đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn. Số ca tử vong do Covid-19 của nước này cũng thấp, ở mức dưới 1.000 ca, con số đáng ghen tị so với hơn 130.000 ca ở Anh.
Tuy nhiên, Australia vẫn đang ở trong tình trạng phong tỏa thường xuyên và nghiêm ngặt. Lực lượng quân sự đang buộc công dân ở Sydney phải ở nhà. Thủ đô Canberra đã thông báo đóng cửa nhanh chóng sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ngay từ những ngày đầu của đại dịch. Melbourne cũng đã kéo dài đợt phong tỏa gần đây nhất.
Các biện pháp hạn chế phòng dịch bắt đầu cho thấy các tác động kinh tế. Ban đầu, việc kiểm soát đại dịch đã có những lợi ích rõ ràng. Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhiều so với hầu hết các nước khác. Suy thoái của Australia cũng ít nghiêm trọng hơn so với phần lớn các quốc gia giàu có khác.
Song, việc không mở cửa trở lại đang làm giảm tốc độ tăng trưởng của hai nước này.
Ông George Tharenou, chuyên gia kinh tế trưởng tại tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu UBS, dự đoán GDP của Australia sẽ giảm khoảng 2,5% trong quý III/2021.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 2,3% trong quý III/2021, thấp hơn một nửa so với mức 5,8% mà ngân hàng này dự báo trước đó.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics Freya Beamish cho biết Trung Quốc đã "làm rất tốt" để kiềm chế đại dịch, nhưng trên phương diện kinh tế, nước này đang đối mặt với một quý đầy khó khăn.
Bà Beamish cho biết các hộ gia đình sẵn sàng ra ngoài và chi tiêu trong hoàn cảnh thích hợp, vốn phụ thuộc vào tình hình dịch, và hiện tại chắc chắn không phải là hoàn cảnh thích hợp. Theo bà, Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn phục hồi sản xuất và phục hồi dịch vụ, song không thể đạt được sự phục hồi này cho tới khi nước này đạt được miễn dịch cộng đồng.
Ông Rory Green, người đứng đầu mảng nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại công ty nghiên cứu đầu tư TS Lombard, cho biết điều quan trọng là phải phục hồi các dịch vụ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như du lịch, lưu trú, bán lẻ và ăn uống, vốn chiếm khoảng 20-25% tổng số việc làm ở Trung Quốc trong năm 2019.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh chương trình tiêm chủng của nước này vẫn hạn chế và hiệu quả của vaccine do Trung Quốc sản xuất đối với biến thể Delta vẫn chưa rõ ràng.
Tác động khôn lường đến kinh tế toàn cầu
Trung Quốc đặt mục tiêu 50% dân số được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm nay. Australia cũng gắn các kế hoạch mở cửa trở lại với tiến độ tiêm chủng. Sau khi 70% số người trưởng thành được tiêm đủ hai mũi vaccine, chính phủ nước này hy vọng sẽ nới lỏng những biện pháp hạn chế ở mức độ thấp, song song với việc theo dõi và truy vết hiệu quả.
Ngân hàng Deutsche Bank ước tính Australia sẽ đạt đến giai đoạn này vào tháng 12 với tốc độ tiêm chủng hiện tại. Khi 80% người trưởng thành Australia tiêm đủ hai mũi vaccine, những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ được miễn các biện pháp hạn chế trong nước và Australia sẽ chỉ áp dụng lệnh phong tỏa "có mục tiêu".
Chuyên gia Tim Baker từ Deutsche Bank cho biết các đợt phong tỏa liên tục và kéo dài đang bắt đầu tác động tiêu cực tới niềm tin của người tiêu dùng, điều mà ông cảnh báo là "không tốt cho chi tiêu tiêu dùng", đặc biệt là trong bối cảnh doanh số bán lẻ vốn lay lắt đã không tăng trong sáu tháng liền.
Nếu Australia khó phá vỡ chu kỳ zero Covid-19 thì việc này còn khó hơn đối với Trung Quốc, nơi các chính sách hàng đầu là khó thay đổi.
Ông Ben May, một giám đốc tại Tập đoàn Oxford Economics, đã nói rằng việc loại bỏ Covid-19 có vẻ kém bền vững hơn, khi phần còn lại của thế giới đang học cách sống chung với đại dịch.
Ông cho rằng với khả năng ngày càng tăng Covid-19 sẽ trở thành một dịch bệnh, cùng với các chi phí thay đổi và lợi ích của việc kiềm chế số ca mắc ở mức thấp, zero Covid-19 có thể không còn là một chiến lược thực tế hoặc tối ưu trong thời gian tới.
Ông Rob Subbaraman, nhà kinh tế tại tập đoàn Nomura, cho biết khi Trung Quốc quyết không thay đổi, phần còn lại của thế giới có thể nhận thấy tác động.
Ông cho rằng những gì Trung Quốc quyết định rất quan trọng đối với phần còn lại của thế giới bởi đây là "công xưởng sản xuất toàn cầu". Một số thành phố cảng ở nước này đang chịu những biện pháp hạn chế khá nghiêm ngặt. Điều này có thể bắt đầu tác động trở lại các chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng thiếu sản phẩm và khiến lạm phát cao hơn trong thời gian dài.
Ông Neil Shearing, trưởng nhóm kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, cho rằng Trung Quốc có nguy cơ làm tổn hại đến vị thế của mình trên trường quốc tế bằng cách lạm dụng các biện pháp đã từng giúp nước này phục hồi.
"Không phải đại dịch Covid-19, mà cách đối phó với đại dịch mới là vấn đề. Điều này phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có thể áp dụng một chiến lược khác mà không bị coi là đảo ngược hoàn toàn với chiến lược cũ hay không?", chuyên gia này cho hay.