Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài 3: Những công trình làm nên tầm vóc

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, đường điện vượt biển ra các đảo, những tuyến đường kết nối xuyên huyện, liên tỉnh... vừa là hạ tầng, cũng vừa là biểu tượng của khát vọng vươn lên của Kiên Giang. Mỗi công trình là một câu chuyện, là minh chứng cho sức mạnh của trí tuệ, ý chí và quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà.

“SIÊU CỐNG” TẠO SINH KẾ BỀN VỮNG

Nhẩm tính lại vụ lúa vừa thu hoạch, ông Nguyễn Văn Tèo, ngụ ấp An Thành, xã Bình An (Châu Thành) khoe: “Một công đất mà tôi thu hoạch được một tấn lúa, lời kha khá. Trước đây, làm lúa lo lắm, nước mặn xâm nhập ruộng đồng, có năm lúa chết, nông dân trắng tay. Giờ nhờ có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, chúng tôi không còn sợ nước mặn nữa”. Câu chuyện của ông Tèo cũng là câu chuyện chung của hàng trăm hộ nông dân ở các huyện như An Biên, Châu Thành, U Minh Thượng... Nhiều khu vực ở các huyện này có đặc trưng tự nhiên rất phức tạp, hệ sinh thái đan xen giữa nước mặn, lợ và ngọt. Chính điều này khiến việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thủy sản gặp khó khăn. Trước đây, mỗi khi mùa khô đến, nước mặn theo sông xâm nhập sâu vào nội đồng khiến lúa chết, tôm hao hụt.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm trên địa bàn hai huyện An Biên và Châu Thành. Ảnh: THANH DƯ

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm trên địa bàn hai huyện An Biên và Châu Thành. Ảnh: THANH DƯ

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm trên địa bàn hai huyện An Biên, Châu Thành được xây dựng đã mở ra hướng phát triển bền vững cho cả một vùng đất nhiều tiềm năng phát triển. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, được khởi công giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn hoàn thành giai đoạn 1 sớm hơn dự kiến 2 tháng, khánh thành tháng 3-2022. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay, kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất cho hơn 384.000ha ở Kiên Giang và một số tỉnh lân cận. Một kỹ sư thủy lợi nói: “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã giải bài toán hóc búa về sản xuất nông nghiệp bền vững của nông dân trong vùng dự án, đó là vẫn giữ được nước ngọt ở những nơi cần trồng lúa, nhưng cũng không “chặn” đường mặn với các vùng nuôi tôm tự nhiên. Khi giữ được cân bằng sinh thái thì sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Công trình này đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục nước ngọt, mặn đan xen”.

Ông Lê Tường Minh - Phó Giám đốc chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, việc vận hành linh hoạt hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã kiểm soát tốt mặn xâm nhập từ Biển Tây. Ranh mặn 1g/lít được giữ ổn định, đảm bảo an toàn cho sản xuất ở tiểu vùng ngọt và tạo điều kiện cho vùng lợ - mặn lấy nước thuận lợi. “Mùa mưa, cống vận hành giúp giảm mực nước ở vùng thượng lưu, hạn chế ngập úng nội đồng và giảm thiểu rủi ro ngập lụt ở vùng hạ lưu”, ông Minh nói.

Đang chuẩn bị giống tôm càng xanh cho vụ nuôi mới, ông Nguyễn Văn Lên, ngụ xã Hòa Chánh (U Minh Thượng) hồ hởi nói: “Tôi có 1,5ha canh tác mô hình tôm - lúa cho thu nhập ổn định. Nước mặn, nước ngọt gì cũng có cống điều tiết, chỉ cần canh lịch thời vụ phù hợp”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Nguyễn Văn Nam khẳng định: “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp người dân yên tâm phát triển sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập. Các mô hình lúa - tôm, lúa - màu, khóm - thủy sản giúp giảm 10 - 15% chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế hơn 20% so với canh tác truyền thống”. Theo ông Nam, từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, Nhà nước và người dân không còn phải đắp đập tạm vào mùa khô, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và không cản trở giao thông đường thủy.

ĐIỆN VƯỢT BIỂN ĐẾN ĐẢO XA

Cách đất liền hàng chục hải lý, các xã đảo của Kiên Giang như Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ hay xa hơn là đảo Phú Quốc từng là vùng “trắng điện”. Trước đây, người dân chỉ dùng điện từ máy phát dầu, hoạt động vài giờ mỗi ngày, chi phí cao. Ông Trần Văn Bé, ngụ xã Gành Dầu (TP. Phú Quốc) nói: “Trước năm 2014, cả xóm chỉ có vài máy phát điện. Cả ngày chỉ dám phát vài tiếng buổi tối cho tụi nhỏ học bài. Đến khi Phú Quốc có điện lưới quốc gia, ai cũng mừng, như một kỳ tích”.

Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc dài 80km, với tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng được vận hành tháng 10-2022. Ảnh: THANH DƯ

Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc dài 80km, với tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng được vận hành tháng 10-2022. Ảnh: THANH DƯ

Với nhiều nỗ lực, từ năm 2014 đến nay, Kiên Giang phối hợp ngành điện triển khai nhiều dự án kéo điện cho các đảo trong tỉnh. Dấu ấn đầu tiên là dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc, vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng, hoàn thành tháng 2-2014. Nối tiếp thành công, nhiều dự án kéo điện ra các xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải được thực hiện, với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Đến tháng 10-2022, đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc được vận hành, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao ở Phú Quốc.

Điện là mạch sống cho phát triển. Từ khi có điện, Phú Quốc như được “đánh thức”. Nhiều nhà đầu tư lớn đổ về, hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, sang trọng mọc lên. Thành phố hiện có hơn 300 dự án, chiếm hơn 86% dự án du lịch toàn tỉnh. Năm 2024, lượng du khách đến Phú Quốc tăng hơn 40 lần so với năm 2003. Kinh tế TP. Phú Quốc duy trì tăng trưởng ở mức cao, bình quân khoảng 20%/năm, tính từ năm 2008 đến nay. Phú Quốc đóng góp hơn 50% ngân sách tỉnh mỗi năm, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Có điện, đời sống người dân các xã đảo thay đổi rõ rệt. Trường học có máy tính, trạm y tế có thiết bị hiện đại, trẻ em có thể học trực tuyến. Anh Huỳnh Phước Thọ, ngụ ấp Bãi Nhà B, xã Lại Sơn (Kiên Hải) cho biết: “Trước đây, mùa nắng tôi phải mở hết cửa sổ, cửa chính mới ngủ được. Mấy năm nay có điện, tôi mua máy lạnh, ti vi, máy giặt phục vụ sinh hoạt, tiện nghi”. Điện lưới quốc gia còn tạo cơ hội phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch cộng đồng. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư loại hình dịch vụ homestay, mở cửa hàng phát triển dịch vụ du lịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lại Sơn Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Từ khi có điện, du lịch xã phát triển mạnh, mức sống người dân nâng cao. Giai đoạn 2018-2024, xã Lại Sơn đón trung bình hơn 200.000 lượt du khách/năm, tăng gấp 10 lần so với trước năm 2018”.

Theo Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang Đặng Nguyên Phương, các công trình điện ra đảo đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tiếp nối hành trình đưa điện đến đảo, ngày 10-12-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng Công ty Điện lực miền Nam ký kế hoạch triển khai 4 công trình trọng điểm gồm 2 đường dây 110kV Phú Quốc - bắc và nam Phú Quốc, cấp điện cho xã đảo An Sơn, Nam Du và trạm biến áp 220kV Phú Quốc. “Các dự án này sẽ hoàn thiện hạ tầng điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch Phú Quốc và phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027”, ông Phương nói.

Những công trình, từ “siêu cống” đến đường cao tốc hay điện vượt biển đang tạo đà cho Kiên Giang cất cánh để tiếp nối thành tựu mới, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình.

TÚ LY - THANH DƯ

Bài 1: Ký ức một hành trình mở đất

Bài 2: Đổi thay từ ý chí vượt khó

Bài 4: Vươn ra biển

Bài cuối: Dựng thế, tạo lực để vươn xa

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/kien-giang-50-nam-phat-trien-cung-dat-nuoc-bai-3-nhung-cong-trinh-lam-nen-tam-voc-26023.html