Kiên Giang đẩy mạnh thu hút nguồn lực bên ngoài

Tỉnh Kiên Giang vừa tham dự Hội nghị Diễn đàn hợp tác Nhật Bản - Mê Kông năm 2019 tại TP Cần Thơ, với mục tiêu tiếp tục quảng bá, giới thiệu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các chủ trương, định hướng phát triển lớn của tỉnh, cũng như tiềm năng và cơ hội đầu tư trên nhiều lĩnh vực của mình.

Thành phố Hà Tiên (Kiên Giang).

Thành phố Hà Tiên (Kiên Giang).

NDĐT - Tỉnh Kiên Giang vừa tham dự Hội nghị Diễn đàn hợp tác Nhật Bản - Mê Kông năm 2019 tại TP Cần Thơ, với mục tiêu tiếp tục quảng bá, giới thiệu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các chủ trương, định hướng phát triển lớn của tỉnh, cũng như tiềm năng và cơ hội đầu tư trên nhiều lĩnh vực của mình.

Là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Kiên Giang có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Với vị trí cửa ngõ phía tây của vùng và thông ra vịnh Thailand, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000km2; có đường biên giới giáp nước bạn Cambodia dài hơn 58 km, có Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cùng một số cửa khẩu quốc gia. Điều này giúp Kiên Giang có lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu cũng như kết nối giao thông đường biển, trên bộ thông qua con đường ven vịnh Thailand kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Kiên Giang có đồng bằng rộng lớn và có đầy đủ các yếu tố đặc thù của địa phương vùng sông nước. Ngoài ra, Kiên Giang còn có những yếu tố đặc trưng riêng mà ít địa phương đồng bằng ven biển nào có được như: rừng nguyên sinh, đồng bằng, núi, sông, hải đảo… Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng tự nhiên, cùng với sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Kiên Giang đã có sự phát triển ấn tượng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Kiên Giang trở thành một trong những địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt là đối với thu hút đầu tư, phát triển du lịch ở đảo Phú Quốc với hàng trăm dự án lớn và trung bình, có tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD.

Đến nay, Kiên Giang đã thu hút 680 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 503.763 tỷ đồng. Trong đó, có 341 dự án đi vào hoạt động với số vốn đầu tư lên đến 60.641 tỷ đồng; có 68 dự án đang triển khai xây dựng tổng vốn đầu tư 115.410 tỷ đồng và 271 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư tổng vốn đầu tư 327.713 tỷ đồng. Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Kiên Giang đã thu hút được 41 dự án đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đầu tư đăng ký là hơn 1,44 tỷ USD, trong đó số vốn thực hiện đạt hơn 542 triệu USD (chiếm trên 37%).

Chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn xác định mục tiêu huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội là khâu quan trọng, được nêu rõ trong các nghị quyết chủ trương của tỉnh. Theo đó tỉnh Kiên Giang đã và đang xây dựng quy hoạch, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính... để thu hút đầu tư. Cụ thể như xây dựng các quy hoạch, dự án; đề xuất và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế…

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phạm Vũ Hồng, cho biết, những năm qua, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào tỉnh của các nhà đầu tư đã có sự chuyển biến tích cực, quy mô ngày càng lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Kiên Giang cũng luôn được cải thiện, từ đó vẫn duy trì là "điểm sáng" trên bản đồ thu hút đầu tư của khu vực ĐBSCL.

Theo ông Phạm Vũ Hồng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của Kiên Giang trong thời gian qua còn bộc lộ một số bất cập. Kinh tế phát triển chưa đều, chủ yếu tập trung vào Phú Quốc và TP Rạch Giá, trong khi Kiên Giang còn rất nhiều tiềm năng về kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản, du lịch ở các vùng như Hà Tiên, Kiên Lương, U Minh Thượng, Kiên Hải… chưa được khai thác đúng mức.

Là một tỉnh có ngư trường rộng lớn và đội tàu nhiều nhất cả nước (gần 11.000 chiếc, công suất trung bình 400 CV/chiếc), sản lượng khai thác thủy sản hằng năm hơn nửa triệu tấn, nhưng việc bảo quản sau đánh bắt vẫn theo phương thức truyền thống, nên chất lượng thủy sản chưa cao. Đáng kể, liên kết chuỗi giá trị từ nuôi trồng thủy sản, đánh bắt, bảo quản và chế biến chưa được chú trọng, giá trị, hiệu quả của ngành đánh bắt thủy sản còn thấp. Riêng sản lượng lúa Kiên Giang đứng thứ nhì khu vực ĐBSCL nhưng chưa tạo được chuỗi giá trị gia tăng, nhất là thiếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời gian qua đạt được một sô kết quả bước đầu, với hơn 24 dự án đã và đang triển khai nhưng mới chỉ tập trung ở hai khu công nghiệp (Thạnh Lộc ở huyện Châu Thành và Thuận Yên ở TP Hà Tiên). Trong khi đó, Kiên Giang có đến năm khu công nghiệp và hệ thống các cụm công nghiệp địa phương đã cơ bản đáp ứng điều kiện triển khai dự án, nhất là đối với các ngành, nghề chế biến gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ, vẫn trong tình trạng chờ nhà đầu tư. Thêm vào đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch và đang xây dựng tuyến đường ven biển từ cầu Cái Lớn men theo vịnh Rạch Giá đến huyện Hòn Đất với chiều dài hơn 50km sát biển, thuận tiện giao thông, tạo cảnh quan và mở rộng quỹ đất giáp biển mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án dân cư, du lịch...

"Kiên Giang vẫn còn khó khăn trong việc huy động nguồn lực cho việc xử lý môi trường, nước thải, rác thải ở các đô thị và vùng du lịch trọng điểm, khu dân cư tập trung. Vì vậy, Kiên Giang rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này. Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã đưa ra nhiều chính sách “cởi mở” nhằm tìm kiếm những nhà đầu tư có tiềm lực, có “ước vọng” đầu tư trên này. Ngoài ra, Kiên Giang cũng đang tìm nhà đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư tại các xã đảo nhằm thay thế cho các máy phát điện diezel hiện hữu…”, ông Hồng chia sẻ.

Ông Phạm Vũ Hồng cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang luôn nhận thức rằng, để khắc phục những bất cập nêu trên, cần phải có biện pháp để khai thác mạnh mẽ, đồng đều hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giúp Kiên Giang phát triển bền vững dựa trên nguồn lực bên trong là cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng để đột phá. Trong đó, để huy động được nguồn lực từ bên ngoài, không có giải pháp nào tốt hơn là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ “nút thắt” về thủ tục hành chính, hoàn chỉnh khung pháp lý để giúp nguồn lực bên ngoài được giải phóng trong thời gian ngắn nhất thông qua các dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn.

Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn nỗ lực hết mình trong việc hoàn chỉnh các quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dựa trên khung chính sách chung và đặc thù của địa phương; cải cách thủ tục hành chính, thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công cấp tỉnh; cùng với đó, Kiên Giang đang tranh thủ các nguồn vốn hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Tin vui, Bộ Giao thông vận tải vừa đưa vào quy hoạch vốn trung hạn 2020 - 2026, sẽ đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

“Tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án mà Kiên Giang đang mời gọi. Tôi khẳng định, khi đến với Kiên Giang, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy ở Kiên Giang những cơ hội đầu tư mới hết sức hấp dẫn, đáp ứng điều kiện triển khai ngay và sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất... Chính quyền địa phương sẽ làm tất cả những gì có thể với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh”, ông Phạm Vũ Hồng tha thiết.

Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

ĐỨC BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/42481902-kien-giang-day-manh-thu-hut-nguon-luc-ben-ngoai.html