Kiên Giang khai thác thế mạnh kinh tế biển, du lịch và công nghiệp
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới (2021-2025) của tỉnh là khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển, du lịch, công nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới (2021-2025) của tỉnh là huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển, du lịch và công nghiệp.
Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Kiên Giang phấn đấu duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Kiên Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7,24% trở lên, năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.485 USD. Tỉnh huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 267.128 tỷ đồng, đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị hóa đạt tỷ lệ khoảng 41,45%, 100% số xã của tỉnh đạt nông thôn mới, ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khoảng 7-9 huyện nông thôn mới. Tỉnh cải thiện, nâng lên đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Để đạt những mục tiêu này, Kiên Giang xác định 3 khâu đột phá gồm đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
Theo đó, tỉnh tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững và có chiều sâu, phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tỉnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản...; phát triển đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh xây dựng huyện Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; xây dựng thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hình thành và phát triển các đô thị ở huyện đảo Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo gắn kết với phát triển vùng đất liền. Tỉnh xây dựng huyện An Biên thành đô thị vùng U Minh Thượng và huyện Giồng Riềng thành đô thị vùng Tây Sông Hậu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết tỉnh tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời, tỉnh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến, giảm dần tiến tới chấm dứt khai thác ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kiên Giang phấn đấu năm 2025, sản lượng lương thực đạt 4-4,2 triệu tấn, trong đó lúa 3,8-4 triệu tấn; thủy-hải sản 800.000 tấn, trong đó 100.000 tấn tôm nuôi, giá trị sản lượng trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 130-170 triệu đồng.
Tiếp đến, tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông-thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, điện tử…), công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm. Phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh các kết cấu hạ tầng, kêu gọi đầu tư các khu, cụm công nghiệp ở Châu Thành, Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá, An Biên, Gò Quao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 8%/năm, năm 2025 đạt 77.735 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chiếm 14,8% trong giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.
Mặt khác, tỉnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị và giá trị gia tăng cao, nhất là du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tỉnh tập trung phát triển ngành du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện để phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp chính vào nền kinh tế của tỉnh, trở thành ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn.
Tỉnh tăng cường liên kết du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động khu vực biên giới ở cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu quốc gia Giang Thành gắn kết các trung tâm đô thị Phú Quốc, Kiên Lương và Rạch Giá để hình thành các cực tăng trưởng năng động của tỉnh, làm hạt nhân lan tỏa sang các khu vực lân cận.
Cùng với đó, tỉnh phát triển kinh tế biển, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển vào năm 2025, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực và cả nước vào năm 2030. Tỉnh phát triển kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tập trung vào các lĩnh vực, phát triển nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, đánh bắt và chế biến hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển, tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương…
Tỉnh phát triển công nghiệp năng lượng, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện Mặt Trời và năng lượng tái tạo khác, phát triển kinh tế hàng hải, tập trung đầu tư các cảng trọng điểm như Hòn Chông (Kiên Lương), Cảng nước sâu Nam Du (Kiên Hải), Cảng tổng hợp tại Mũi Đất Đỏ và Cảng biển Vịnh Đầm (Phú Quốc), Cảng hành khách quốc tế Dương Đông và mở rộng Cảng Bãi Vòng (Phú Quốc), cụm cảng Hà Tiên, Kiên Lương, Cảng hành khách Rạch Giá...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết thực hiện 3 khâu đột phá, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, thủ tục chưa phù hợp, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp nâng cao sự hài lòng của người dân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực mạnh đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh tích cực huy động tốt các nguồn lực, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về kinh tế-xã hội. Tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là những công trình có tính lan tỏa, đột phá đảm bảo kết nối vận tải với vùng kinh tế trọng điểm, cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn kết với mạng lưới giao thông trong các liên kết khu vực.
Cụ thể, đường cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, các Quốc lộ 80, 63, 61, N1, tuyến đường bộ ven biển với các đoạn Kênh Cụt-Tắc Cậu, Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đoạn Rạch Giá-Hà Tiên...; đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc./.