Kiên Giang kiến nghị các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp
UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Công an thành lập ban chuyên án để bắt các đối tượng đưa người, đưa tàu đánh bắt thủy sản ở ngư trường nước ngoài.
Ngày 8-6, tin từ UBND tỉnh Kiên Giang,địa phương vừa phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức Hội nghị phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, Kiên Giang là địa phương có đội tàu cá thuộc nhóm lớn của cả nước. Tính đến cuối năm 2021, tỉnh này có hơn 9.800 tàu cá đã đăng ký, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên gần 4.000 chiếc.
Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ với 16 tàu, 132 ngư dân có dấu hiệu vi phạm và vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương điều chỉnh Nghị định số 42/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo trong quá trình thực thi nhiệm vụ lực lượng chức năng có đủ quyền và điều kiện trong xử lý vi phạm.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh kiến nghị Bộ Công an thành lập ban chuyên án để bắt các đối tượng đưa người, đưa tàu đánh bắt thủy sản ở ngư trường nước ngoài.
“Chúng ta cần nhìn nhận thực tế là hiện nay ngư trường đang dần cạn kiệt, nên cần phải giảm số lượng tàu đánh bắt và chuyển sang nuôi biển, chuyển từ ngư dân đánh bắt sang ngư dân nuôi biển. Việc này phải thực hiện chuyển đổi dần dần” - ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại Hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát nắm số tàu, số ngư dân của địa phương để tuyên truyền thực hiện đúng các quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tàu cá khai thác IUU bị bắt giữ, xử lý tăng so năm 2021
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác IUU bị bắt giữ, xử lý có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, cả nước đã xảy ra 35 vụ với 54 tàu, 507 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Một số địa phương có tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hòa và Quảng Ngãi (có bảy vụ với 11 tàu, 122 ngư dân chưa rõ địa phương).
Tình hình tội phạm, vi phạm trên vùng biển phía Nam diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng, dầu.
Tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2022, Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ trị, bắt giữ, xử lý 21 vụ với 21 tàu, 93 đối tượng hoạt động buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển. Qua đó, tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước trên 40 tỉ đồng.