Kiên Giang kiến nghị nâng thời gian miễn thị thực cho người nước ngoài đến Phú Quốc
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương xem xét nâng thời gian miễn thị thực với thời gian tạm trú 6 tháng cho người nước ngoài vào Phú Quốc.
Vẻ đẹp của Nam Phú Quốc. Ảnh: Hồ Hạ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung vừa ký Văn bản số 156/BC-UBND Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022 và các kiến nghị đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt là kiến nghị Trung ương nâng thời gian miễn thị thực cho người nước ngoài đến Phú Quốc.
Cụ thể, theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là khu kinh tế ven biển được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019; theo đó cũng đã bổ sung quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (điểm d khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam).
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, chính sách miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày đã và đang tạo điều kiện cho du lịch, kinh tế Phú Quốc phát triển xứng đáng với lợi thế và tiềm năng đang có. Hiện nay, cả nước đang trong quá trình hồi phục thị trường du lịch quốc tế sau dịch COVID-19, trong đó Phú Quốc được xem là địa điểm lý tưởng cho sản phẩm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Để tạo chính sách kích cầu thu hút du khách quốc tế đến Phú Quốc nghỉ dưỡng, tạo điều kiện cho người nước ngoài có thêm thời gian ở lại Phú Quốc trải nghiệm các sản phẩm du lịch... UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương xem xét nâng thời gian miễn thị thực với thời gian tạm trú 6 tháng cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (Phú Quốc), bao gồm trường hợp người nước ngoài đến Phú Quốc từ các cửa khẩu quốc tế khác trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam (bằng đường hàng không), lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc cũng được miễn thị thực.
Ngoài ra, UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Quốc hội trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai xem xét phân cấp cho UBND cấp huyện xác định giá đất để tính bồi thường cho các dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư; đồng thời, giao UBND cấp tỉnh hậu kiểm tra, giám sát việc thực hiện của UBND cấp huyện.
Phân cấp cho địa phương được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) đối với diện tích đất rừng, đất lúa đã được quy hoạch sang mục đích đất khác theo các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các diện tích đất hiện trạng sử dụng đang là đất rừng, đất lúa nhưng đã được quy hoạch (theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được Chính phủ phê duyệt, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) sang mục đích khác (gồm: đất ở đô thị, đất du lịch sinh thái, đất thương mại dịch vụ,...) thì phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích đối với trường hợp: Đất lúa từ 10 ha trở lên, đất rừng từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; rừng đặc dụng dưới 50 ha, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, các trường hợp này, mặc dù theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã quy hoạch sang mục đích khác, nhưng do hiện trạng sử dụng là đất lúa, đất rừng nên theo quy định thì UBND tỉnh phải lập hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích. Trong khi trước đó, việc lập, thẩm định các quy hoạch này đều đã lấy ý kiến thống nhất các Bộ, ngành có liên quan vì vậy quy hoạch chuyển mục đích từ đất lúa, đất rừng sang mục đích khác.
“Vì vậy, để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho địa phương triển khai nhanh các dự án theo quy hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kính trình Trung ương phân cấp hoặc ủy quyền cho địa phương (Hội đồng nhân dân tỉnh) xem xét, quyết định việc chuyển mục đích đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các dự án sau khi chuyển mục đích đúng quy định pháp luật và quy hoạch đã được phê duyệt”, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang còn kiến nghị Chính phủ xem xét không ban hành khung giá đất để tạo điều kiện ban hành bảng giá đất phù hợp với thị trường của từng địa phương hoặc Chính phủ ban hành khung giá đất, nhưng cho phép các địa phương có điều kiện đặc thù được tăng giảm giá đất phù hợp với giá thị trường...