Kiên Giang: Lan tỏa những giá trị cộng đồng trong lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Hàng năm, vào các ngày 26, 27 và 28 tháng 8 âm lịch, lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra trọng thể tại thành phố Rạch Giá, thu hút trên 100 ngàn lượt người từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về dự. Nét độc đáo ở lễ hội này là bà con xa gần đều mang đến những sản vật 'cây nhà lá vườn' cùng nhau góp vào lễ giỗ cụ Nguyễn. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, tất cả mọi người đến đây đều được ăn, uống miễn phí.
Sau khi Nguyễn Trung trực hy sinh, người dân và nghĩa quân đã không khỏi thương tiếc một con người trẻ tuổi “vị quốc vong thân", nên đều làm đám giỗ ông. Hàng năm, cứ đến ngày hy sinh của ông, người dân khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến đình thành hoàng bổn cảnh làng Vân Tập (nay là đình Nguyễn Trung Trực) làm lễ cúng giỗ cụ Nguyễn. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn", nhân dân Kiên Giang và đồng bào khắp nơi lại hội tụ về đây tổ chức kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để bày tỏ lòng tri ân, thành kính đối với người con bất khuất, kiên trung của đất nước.
Có thể nói, lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã có sức lan tỏa ngày càng rộng trong cộng đồng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội. Những năm gần đây, hàng triệu lượt người từ Bình Định, Long An, Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… về tham dự lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Người dân đi cúng cụ Nguyễn muốn dâng hương, dâng tấm lòng thành lên cụ bằng những việc làm cụ thể, như mang phẩm vật đến cúng, tham gia phục vụ và ăn một bữa cơm đình, thưởng thức các hoạt động của ngày hội. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, người dân khắp nơi đã đến Đình thờ Nguyễn Trung Trực thay nhau làm công đức.
Một nét đẹp rất độc đáo trong lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là tinh thần của những người tham dự lễ hội. Dân cư khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về dự lễ hội như là trở về gia đình mình, làm giỗ ông bà mình. Vì thế, tính cộng cảm, cộng mệnh, cộng sinh được thể hiện rất rõ nét trong lễ hội này. Những người dân về dự lễ hội theo tiếng gọi của truyền thống văn hóa dân tộc “uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ một vị anh hùng dân tộc đã hy sinh vì dân, vì nước. Trên mảnh đất mà vị anh hùng đó ngã xuống, người dân tự nguyện chung tay tổ chức lễ hội, không tính toán thiệt hơn. Ai có của góp của, ai có sức góp sức, mỗi người một việc, không tính toán, so bì, tị nạnh nhau.
Người dân Kiên Giang luôn thể hiện tinh thần của những người chủ nhà đầy hào hiệp, hiếu khách. Vào dịp lễ hội, xung quanh khu vực Đình thờ cụ Nguyễn, bên bờ sông Kiên của thành phố Rạch Giá đầy thơ mộng, người dân treo biển tắm, giặt, vệ sinh miễn phí. Họ sẵn sàng phục vụ khách thập phương với thái độ chân tình, cởi mở như đón người thân về lễ giỗ ông bà mình. Vì vậy mà cảnh chặt chém khách du lịch đến tham quan hầu như không diễn ra. Đâu chỉ dừng lại ở việc mang cúng thực phẩm, cứ đến gần ngày giỗ cụ Nguyễn là các chậu hoa, bàn ghế, chén, đũa, bếp ga… được hàng trăm lượt người mang đến đình, phục vụ cho lễ hội. Nhiều gia đình ở thành phố Rạch Giá đã thờ cụ Nguyễn ở trên bàn thờ gia đình. Đến ngày giỗ ông, mọi người cũng làm đám giỗ như tập tục cúng ông bà của dân tộc ta.
Trước khu vực sân Đình thờ cụ Nguyễn là cảnh khám chữa bệnh, hốt thuốc nam miễn phí. Tất cả người dân tham gia lễ hội đều được phục vụ cơm chay, uống nước thuốc và nếu có nhu cầu xin một phần “lộc" của ông mang về đều được đáp ứng. Không khí ở đây nhộn nhịp chẳng khác gì ở nhà của mình, người ta tự nguyện phục vụ từ việc dọn dẹp, sắp xếp tươm tất bàn ghế, vào bếp chế biến các món ăn, thay nhau thu dọn một cách hết sực tự giác. Có gia đình mấy đời đều thay nhau đến phục vụ lễ hội cụ Nguyễn theo kiểu “cha truyền con nối".
Hàng đoàn xe (xe honda, xe đạp, xe xích lô) chở cả gia đình từ khắp các tỉnh nối đuôi nhau tấp nập về thành phố Rạch Giá trong những ngày lễ hội cụ Nguyễn làm không khí ở đây trở nên náo nhiệt, đông đúc và tràn đầy ý nghĩa. Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đi dự lễ hội còn mang theo những đặc sản, sản phẩm tiêu biểu của từng địa phương đến bán với giá phục vụ, như: cốm dẹp Sóc Trăng; nem, củ ấu, hạt sen Đồng Tháp; mắm còng, rượu đế Gò Đen; mắm thái Châu Đốc; bánh pía Sóc Trăng… Có thể thấy, hiếm có một lễ hội nào mà người dân lại tự giác cùng nhau chia sẻ các giá trị tinh thần và vật chất như lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở tỉnh Kiên Giang.
Phát huy những giá trị cộng đồng từ lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chúng ta cần ra sức xây dựng văn hóa và con người Việt Nam nhân ái, bao dung, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Biết nhớ ơn tiền nhân, nhớ ơn những người có công lao đối với đất nước để ra sức thi đua lao động sản xuất, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển giàu đẹp của quê hương Kiên Giang.