KIÊN GIANG NỖ LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ - Bài cuối: Phát triển kinh tế số

Tỉnh Kiên Giang tập trung nhiều giải pháp để phát triển kinh tế số. Mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm trên 20% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân trên 11,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Bài 1: Tạo cú hích từ chuyển đổi số

Bài 2: Xây dựng chính quyền số

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, tỉnh Kiên Giang triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông, băng thông rộng kết nối đến từng gia đình, cá nhân; hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đã và đang được thúc đẩy phát triển, từ đó tạo nền tảng phát triển kinh tế số ở tất cả các lĩnh vực.

Trong phát triển thương mại điện tử, nếu như những năm trước đây giao dịch chủ yếu bằng phương thức truyền thống từ các điểm chợ truyền thống thì đến nay giao dịch điện tử phát triển mạnh. Thương mại điện tử chuyển biến rõ nét, được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Một số siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng...

Các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử đa dạng và tiện dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng như COD, thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển mạnh thời gian qua. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Cán bộ huyện Gò Quao vận động chủ cơ sở sản xuất đưa sản phẩm patê Tuấn Thúy lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cán bộ huyện Gò Quao vận động chủ cơ sở sản xuất đưa sản phẩm patê Tuấn Thúy lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh hoàn thành, đưa vào vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang tại địa chỉ https://hotrodoanhnghiep.kiengiang.gov.vn. Tỉnh đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart để giới thiệu và giao dịch trên sàn thương mại điện tử, hiện có 898 sản phẩm được đưa lên sàn, trong đó có 34 sản phẩm OCOP với tổng số 14.164 giao dịch, tổng giá trị giao dịch 2,35 tỷ đồng.

Nhiều sở, ngành có bước tiến trong chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế số của tỉnh. Sở Công thương xây dựng hoàn thành và được Bộ Công thương cấp phép đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử Kiên Giang https://kigi.com.vn. Sàn giao dịch hỗ trợ trên 80 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 140 sản phẩm tham gia trưng bày, quảng bá, giao dịch trên sàn.

Ngành giáo dục và đào tạo triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh với 220/343 điểm trường, đạt 64,14%. Ngành y tế thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh cấp tỉnh, huyện; 100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử; 100% khai báo thuế điện tử.

Điện lực Kiên Giang triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, ví điện tử với 90% hóa đơn tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập ứng dụng thương mại điện tử và xây dựng hệ thống hạ tầng, nền tảng thương mại điện tử. Xây dựng kế hoạch thúc đẩy thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển. Hỗ trợ, cung cấp kiến thức, giải pháp số và quy trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Bài và ảnh: CẨM TÚ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-doi-so/kien-giang-no-luc-chuyen-doi-so-bai-cuoi-phat-trien-kinh-te-so-18125.html