Kiên Giang: Rút ngắn thời gian, giảm nhân lực, lệ phí khi nộp hồ sơ trực tuyến

Năm 2023, Chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất trong Chỉ số Năng lực cạnh trang cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Kiên Giang tăng 22 bậc so với năm 2022. Công tác CCHC của ngành TN&MT đã góp phần không nhỏ vào kết quả này.

Bà Trần Thị Thùy Trang: Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ công tác CCHC, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh: VGP/LS

Bà Trần Thị Thùy Trang: Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ công tác CCHC, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh: VGP/LS

Thay đổi tư duy từ ‘cấp phép sang phục vụ’

Công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kiên Giang luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đưa vào phương hướng nhiệm vụ trong nhiều năm qua, nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại, tăng tính dân chủ, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2024, ngành TN&MT tỉnh Kiên Giang đã xác định: "Đặt trọng tâm và quyết tâm cao nhất trong lãnh đạo đối với công tác CCHC, quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ".

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Trần Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu này, ngành TN&MT tỉnh xác định mục tiêu quyết định để thực hiện tốt công tác CCHC là cần thay đổi tư duy và nhận thức của công chức, viên chức, người lao động, nhất là đối với lĩnh vực phức tạp như quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản, đặc biệt là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

"Chúng tôi đã thực sự thay đổi nhận thức và hành động cụ thể từ "tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ", tức là xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức", bà Thùy Trang chia sẻ.

Đồng thời, ngành TN&MT tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp, qua đó Chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh đạt kết quả tốt (tăng 22 bậc so với năm 2022, tăng điểm 0,25 điểm so với năm 2022). Trong đó nổi bật là việc xây dựng các giải pháp thực hiện như:

Thứ nhất, đổi mới trong quản lý, điều hành với việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng kế hoạch thực hiện gắn vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu đến từng cán bộ công chức, viên chức.

Thứ hai, xây dựng quy chế tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả "phi đơn vị hành chính" đối với công tác cấp đổi, chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã được triển khai thực hiện đối với 03 thành phố (Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên) từ ngày 01/3/2024.

Thứ ba, nhân rộng mô hình cung cấp thông tin về đất đai thông qua phương thức điện tử tại tất cả các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh (đã được thí điểm trên địa bàn thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải).

Thứ tư, triển khai ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá (bao gồm trên máy vi tính và điện thoại thông minh).

Thứ năm, quan tâm bố trí công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang và tại các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện (Bộ phận Một cửa); tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến và thực hiện thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hội nghị chuyển đổi số trong thực hiện các biện pháp giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do Sở TN&MT Kiên Giang tổ chức - Ảnh: VGP/LS

Hội nghị chuyển đổi số trong thực hiện các biện pháp giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do Sở TN&MT Kiên Giang tổ chức - Ảnh: VGP/LS

Rút ngắn thời gian, nhân lực giải quyết TTHC

Đặc biệt, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã tổ chức các giải pháp quyết liệt về nhân lực, máy móc thiết bị… để rút ngắn cho được thời gian giải quyết đối với 14 thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai. Theo đó, có trường hợp sau khi rà soát, giảm được 20 ngày làm việc, giảm 50% nhân lực giải quyết hồ sơ. Đồng thời, đơn giản hóa, cắt giảm một số loại giấy tờ giấy tùy thân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu…bằng cách tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong đó, triển khai tích hợp, thực hiện giải quyết các TTHC trực tuyến một phần và toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm tiết kiệm thời gian đi lại của người dân.

Thực hiện miễn và giảm 25% phí và lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với trên 40% tổng số TTHC đã cung cấp (thực hiện đến hết năm 2025).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng cho người dân và doanh nghiệp như đăng tải tài liệu, các video hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên website của Sở TN&MT; tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số trong thực hiện các biện pháp giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với hơn 200 đại biểu đến từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế thực hiện nhiều thủ tục hành chính về đất đai liên quan đến biện pháp giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đến nay, tỷ lệ giải quyết TTHC đạt trên 93% (trung bình hàng tháng giải quyết trên 9.000 hồ sơ), trong đó giải quyết sớm và đúng hẹn đạt trên 99%.

Rà soát, đề xuất phương án tích hợp phần mềm chuyên ngành tài nguyên và môi trường với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và liên thông với cơ quan thuế.

Để góp phần cải cách TTHC, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai, Sở TN&MT đã và đang triển khai xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (đã thực hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 08/15 huyện, thành phố và đang tiếp tục triển khai tại 07 huyện còn lại).

Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của ngành TN&MT tỉnh Kiên Giang còn những vướng mắc, hạn chế cần sớm được quan tâm giải quyết.

Đó là, việc xác định biên chế tương ứng từng vị trí việc làm còn hạn chế, nhất là vị trí chuyên trách CCHC. Thực tế hiện nay, khi biên chế ngày càng giảm, một người phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số phục vụ cho công tác cải cách hành chính cũng chưa được phân bổ kịp thời.

Thành phần hồ sơ TTHC của ngành TN&MT khá phức tạp, nhất là lĩnh vực đất đai; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến và số hóa hồ sơ TTHC đạt được chưa đạt yêu cầu đề ra.

Để nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến và số hóa TTHC không phải là nhiệm vụ của riêng cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà cần có sự đồng thuận, chủ động tham gia thực hiện của cả doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các dịch vụ công.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang nêu rõ:

Ngành TN&MT tỉnh Kiên Giang tiếp tục đặt trọng tâm và quyết tâm cao nhất trong lãnh đạo và chỉ đạo đối với công tác CCHC, trong đó quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu gắn với việc thực hiện chuyển đổi số.

Tập trung rà soát toàn bộ các TTHC có thay đổi theo Luật Đất đai năm 2024, cập nhật, bổ sung về quy trình, thời gian và thành phần hồ sơ để triển khai tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp có hiệu quả để nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến và số hóa hồ sơ TTHC.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kien-giang-rut-ngan-thoi-gian-giam-nhan-luc-le-phi-khi-nop-ho-so-truc-tuyen-102240916164130404.htm