Kiên Giang sắp chạm mốc 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết

7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.980 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 4,1 lần so cùng kỳ năm 2021 (481 ca). Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc.

CA BỆNH TĂNG CAO

Trong 1.980 ca mắc bệnh sốt xuất huyết của tỉnh Kiên Giang có 1.873 ca có dấu hiệu cảnh báo, 107 ca nặng (tỷ lệ ca nặng/ca mắc chiếm 5,4%), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là TP. Phú Quốc (579 ca), TP. Rạch Giá (321 ca), huyện Châu Thành (218 ca), huyện Giồng Riềng (149 ca), huyện Hòn Đất (116 ca)…

Tiến sĩ, bác sĩ Hà Văn Phúc - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao so cùng kỳ năm 2021. Tuần qua, ngành y tế phối hợp các ngành, đoàn thể tập trung quyết liệt biện pháp phòng, chống bệnh, bệnh giảm hơn so tuần trước nhưng chưa dừng lại. Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch cho tất cả các huyện, thành phố, những nơi có ổ dịch xuất hiện nhiều”.

Đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 345 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó 213 ca không có dấu hiệu cảnh báo, 91 ca có dấu hiệu cảnh báo và 41 ca nặng.

Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Kiên Giang cho biết: “Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay cao gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2021, trong đó các ca sốt xuất huyết nặng tăng gấp đôi, nhờ tích cực điều trị theo phác đồ nên chưa có trường hợp tử vong. Tuy vậy, các bậc cha mẹ không được chủ quan vì bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nếu đưa trẻ đến cơ sở y tế trễ sẽ gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí có thể tử vong”.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hoài Linh - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Kiên Giang khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hoài Linh - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Kiên Giang khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện.

Là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao, bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá lý giải: “Năm nay, theo chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết 5 năm quay lại một lần cộng với thời tiết diễn biến thất thường, các đợt nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Chuyên gia dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số người dân còn chủ quan, chưa thực hiện các biện pháp phòng bệnh thường xuyên”.

Đang đưa con điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Kiên Giang, chị Trần Mỹ Tiên, ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá chia sẻ: “Khi phát hiện con bị sốt, tôi đưa con vào bệnh viện tư khám, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng nhẹ nên điều trị ngoại trú. Điều trị 5 ngày, tình hình sức khỏe con có cải thiện nhưng huyết áp thấp, tôi đưa con nhập viện điều trị, hiện sức khỏe ổn định”.

Điều đáng lo ngại là bệnh sốt xuất huyết không chỉ mắc ở trẻ em mà kể cả người lớn. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ghi nhận 27 ca sốt xuất huyết ở người lớn đang điều trị.

CẢNH TỈNH Ý THỨC PHÒNG BỆNH

Toàn tỉnh Kiên Giang đang quyết liệt triển khai chiến dịch diệt lăng quăng. Hàng tuần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cử cán bộ chuyên môn phối hợp trung tâm y tế các huyện, thành phố giám sát côn trùng, khi phát hiện ổ dịch mới kịp thời xử lý không cho ổ dịch lây ra cộng đồng; mở lớp tập huấn hỗ trợ điều trị cho hệ thống y tế công và y tế tư; xử lý ổ dịch triệt để với tỷ lệ đạt 100%...

Bác sĩ Trần Văn Hội cho biết: “Việc phun thuốc trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần thiết để tiêu diệt nhanh đàn muỗi, ngăn chặn sự lây truyền bệnh. Tuy nhiên, đây là biện pháp nhất thời và chỉ diệt được muỗi trưởng thành. Biện pháp lâu dài và hiệu quả nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là diệt lăng quăng, vì vậy mỗi gia đình phải thực hiện biện pháp diệt lăng quăng thường xuyên, không có lăng quăng thì không có bệnh sốt xuất huyết”.

Khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết, người dân không nên tự điều trị tại nhà mà đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị theo phác đồ. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hoài Linh - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Kiên Giang khuyến cáo: “Nếu bệnh nhân sốt tái đi tái lại 3 ngày phải đến cơ sở y tế xét nghiệm máu, tầm soát bệnh sốt xuất huyết sớm để điều trị kịp thời. Nếu nhập viện trễ, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn, kéo dài, tốn kém và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu bệnh sốt xuất huyết xảy ra trên một bệnh nền kèm theo như tim bẩm sinh, bệnh về máu, về thận… thì càng nặng hơn và đe dọa tử vong”.

Để đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức của người dân, từng gia đình mới là biện pháp căn cơ và hiệu quả.

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/kien-giang-sap-cham-moc-2-000-ca-benh-sot-xuat-huyet-9393.html