Kiên Giang: Tăng cường ứng phó với xâm nhập mặn gia tăng

Theo cơ quan chức năng, do giảm lượng xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Me Kong xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL, có nguy cơ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.

Ngày 2-2, tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT về chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020–2021.

Cụ thể, Kiên Giang đã có kế hoạch đắp, gia cố 340 đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2020-2021 trên địa bàn, tổng kinh phí hơn 33 tỉ đồng.

Tính đến đầu tháng 2, ngành chức năng đã đắp hơn 100 đập đất ở các vùng, khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn, thiếu nước cao, gồm các huyện: Giang Thành, Kiên Lương, An Minh, An Biên, Gò Quao. Qua đó, giúp bà con bảo vệ lúa vụ Đông Xuân, hoa màu, vườn cây ăn quả và phòng chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2021.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cũng vận hành hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng ven biển An Biên - An Minh, đê bao vùng U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No để phục vụ nguồn nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đối với các vùng, khu vực trước nguy cơ tiếp tục xâm nhập mặn cao, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương tiến hành đắp các đập còn lại để ngăn mặn, đảm bảo trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng cho sản xuất trong mùa khô.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng khi hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội địa TP Rạch Giá và các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên. Nếu xảy ra xâm nhập mặn sẽ đắp ngay các đập dự phòng để ngăn mặn, giữ ngọt.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, thông tin của Ủy hội sông Me Kong và một số cơ quan thông tấn quốc tế, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5-1 đến ngày 24-1 với lưu lượng giảm khoảng gần 50% so với trước đó, còn khoảng 1.000 m³/s.

Việc giảm lượng xả nước này ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong nửa đầu tháng 2.

Bộ NN&PTNT cho hay trong tháng 2 sẽ có hai thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn khu vực ĐBSCL, đó là từ ngày 8-2 đến ngày 16-2 và từ ngày 24-2 đến ngày 28-2.

Theo đó, vùng các cửa sông Vàm Cỏ và ven biển Tây, trong đó có sông Cái Lớn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xâm nhập mặn từ 50-55 km, tính từ cửa sông giáp biển, mức tương đương với cùng kỳ năm 2016.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/kien-giang-tang-cuong-ung-pho-voi-xam-nhap-man-gia-tang-965296.html