Kiên Giang: Tập huấn cho ngư dân về chống khai thác IUU, tổng kiểm tra tàu cá

Cùng với đợt tổng kiểm tra tàu cá trên vùng biển Tây Nam, Kiên Giang còn phối hợp với Kiểm ngư mở lớp tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về chủ quyền biển đảo và phòng chống khai thác IUU.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu một số bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng theo công điện mới nhất của Thủ tướng và các văn bản chỉ đạo khác.

Trong đó, đặc biệt yêu cầu thực hiện cao điểm tuần tra ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước thời điểm EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5.

Kiên Giang là một trong những tỉnh trọng điểm có nhiều tàu cá vi phạm, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp về chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng.

Với quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU, mới đây, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và công tác khai thác IUU cho ngư dân địa phương. Lớp tập huấn có 150 người đều là cộng đồng ngư dân ven biển làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Ngư dân được tập huấn về chủ quyền biển đảo và phòng chống khai thác IUU (Ảnh: Phúc Diễm)

Ngư dân được tập huấn về chủ quyền biển đảo và phòng chống khai thác IUU (Ảnh: Phúc Diễm)

Lớp tập huấn này tập trung vào tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; về các quy định quốc tế, thỏa thuận Việt Nam là thành viên hoặc tham gia, các văn bản quy phạm pháp luật về biển đảo, thủy sản. Đồng thời, phổ biến những chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phòng, chống khai thác IUU.

Hiện nay cả nước có trên 86.000 tàu đánh bắt, khai thác thủy sản, hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng khơi. Theo đó, ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là sự xác định chủ quyền biển đảo là cột mốc sống về chủ quyền trên biển.

Do đó, nội dung của lớp tập huấn là giới thiệu tổng quan về tình hình biển Đông, hệ thống một số văn bản pháp lý liên quan đến khai thác hải sản trên biển, tình hình hoạt động khai thác hải sản trên biển và chống khai thác IUU.

Cùng thời điểm này, Ban Chỉ đạo về IUU Kiên Giang cũng phối hợp với tỉnh Cà Mau và các lực lương chức năng trên biển thống nhất xây dựng Kế hoạch phối hợp tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên vùng biển tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Mục đích của kế hoạch phối hợp nhằm tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU trên vùng biển 2 tỉnh, gồm: vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi và các đảo trên biển đối với nhóm tàu có nguy cơ cao. Đối tượng kiểm tra là tàu cá nằm trong danh sách mất tích, hết hạn đăng ký, hết hạn đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối trong bờ, ngoài biển dài ngày.

Cùng với đó, kiểm tra các hoạt động tàu cá khai thác thủy sản chưa đúng quy định nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU của các tổ chức, cá nhân trên vùng biển Kiên Giang, Cà Mau; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Theo đó, Kiên Giang và Cà Mau cùng bố trí tất cả các phương tiện có đủ điều kiện hoạt động của Kiểm ngư, Biên phòng tham gia hoạt động tổng kiểm tra trên phạm vi vùng biển của mỗi tỉnh. Đoàn kiểm tra sẽ căn cứ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ trên biển chỉ đạo tham gia tổng kiểm tra tàu cá trên khu vực hoạt động.

Quá trình phối hợp, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thủ tục hành chính 100% số tàu cá có nguy cơ cao đang hoạt động trên phạm vi vùng biển và đất liền của tỉnh 2 tỉnh này. Ngoài ra, vận động chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài, mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ kể từ khi rời cảng để hoạt động trên biển đến cho khi cập cảng.

Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Na Uy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, Kiên Giang sẽ đi theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng, xem đây là giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân.

Tỉnh có diện tích ngư trường rộng lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao. Thế nên, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực. Bởi vậy, ông mong muốn Na Uy hỗ trợ, hợp tác phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kien-giang-tap-huan-cho-ngu-dan-ve-chong-khai-thac-iuu-tong-kiem-tra-tau-ca-2221982.html