Kiên Giang triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản

Trong nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngành thủy sản, Kiên Giang đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm truy xuất nguồn gốc thủy sản, đây là một phần quan trọng trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết:

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn.

Kiên Giang đã nỗ lực chống khai thác IUU trong suốt 7 năm qua. Tuy nhiên, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Dù vậy, công tác chống khai thác IUU đang có những bước tiến tích cực, nhất là trong việc xây dựng khung chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, với hơn 15.000 lượt tàu đã được hỗ trợ trong 2 đợt đầu và đợt thứ ba dự kiến sẽ hỗ trợ thêm khoảng 7.500 tàu. Những chính sách này giúp ngư dân đảm bảo kết nối với cơ quan chức năng và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Kiên Giang đang thực hiện việc sắp xếp và cơ cấu lại đội tàu. Tỉnh xây dựng đề án giảm khai thác, tăng cường nuôi biển để giúp ngư dân duy trì kinh tế khi cơ cấu lại đội tàu. Hiện tại, toàn bộ tàu từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Kiên Giang đang triển khai lắp đặt thiết bị điện tử để truy xuất nguồn gốc cho khoảng 3.600 tàu và đang có kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng tàu “3 không” trong tháng 9. Tỉnh đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua các cảng và điểm lên hàng, kiểm soát được hơn 57% sản lượng thủy sản qua cảng, đảm bảo việc kiểm soát sản lượng và truy xuất nguồn gốc điện tử, minh bạch thông tin trên cổng thông tin quốc gia.

Công tác điều tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh với hơn 340 trường hợp vi phạm bị xử lý trong 8 tháng đầu năm 2024, nhất là xử phạt các vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình với số tiền hơn 22 tỷ đồng, khởi tố 2 vụ án và đang tiếp tục củng cố hồ sơ 2 vụ khác để đưa ra xét xử.

Tuy nhiên, Kiên Giang vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Mặc dù số vụ vi phạm đã giảm so với cùng kỳ, vẫn còn 14 tàu vi phạm trong 8 tháng đầu năm 2024. Đây là vấn đề nhức nhói cần giải quyết triệt để để đáp ứng yêu cầu của EC. Dự kiến tháng 10 và 11 tới, EC sẽ sang kiểm tra tại Việt Nam, trong đó Kiên Giang có khả năng sẽ được đánh giá lại kết quả thực hiện.

Phân loại cá sau khi đánh bắt tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành).

Phân loại cá sau khi đánh bắt tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành).

- Phóng viên: Có thể thấy Kiên Giang đang triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm các tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) nhằm ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp. Vậy tỉnh đã thực hiện những biện pháp xử lý vi phạm nào và trong quá trình đó có gặp khó khăn gì không?

- Ông Lê Hữu Toàn: Đối với tàu cá “3 không”, đây là vấn đề lớn mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực giải quyết dứt điểm trong tháng 9, đáp ứng yêu cầu của cả nước và EC. Tỉnh đã rà soát toàn bộ các tàu chưa đủ hồ sơ để đăng ký, gửi danh sách về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện có 2.705 tàu thuộc 9 huyện trên địa bàn tỉnh đang thuộc diện “3 không”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể và trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu hoàn thành xử lý tàu “3 không” trong tháng 9, hỗ trợ ngư dân hoàn tất các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp phép.

Qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được những chuyển biến tích cực. Hiện đã có 1.272 tàu được đăng ký, chiếm 56% tổng số tàu “3 không”. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1.000 tàu cần tiếp tục hoàn tất thủ tục. Quá trình đăng ký và xử lý các tàu này vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó là tình trạng thiếu thành phần hồ sơ, nhất là liên quan đến mua bán, sang tên đổi chủ.

Ngoài ra, các tàu trên 12m cần có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật nhưng đa số lại thiếu, vì vậy lực lượng đăng kiểm tại địa phương đang hỗ trợ ngư dân để hoàn thiện các thủ tục này. Về xử lý vi phạm với các tàu nhỏ của ngư dân ven bờ cũng gặp khó khăn. Những tàu này thường không đăng ký, đăng kiểm do trị giá tàu chỉ khoảng 40 triệu đồng trong khi mức phạt vi phạm từ 50-70 triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp đã niêm yết công khai danh sách 2.705 tàu trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại địa phương. Chúng tôi mong ngư dân rà soát danh sách, nếu có tên mình mà chưa đăng ký thì nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn.

Ngoài ra, các vi phạm liên quan đến tàu “3 không” có thể bị chuyển sang xử lý hình sự với mức phạt rất nặng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị người dân tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, nhất là trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu trước khi ra khơi để không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần hoàn thiện quản lý đội tàu của tỉnh, đồng thời hỗ trợ Kiên Giang sớm gỡ thẻ vàng của EC trong công tác chống khai thác IUU.

- Phóng viên: Thời gian gần đây Kiên Giang đã triển khai mô hình định danh tàu thuyền. Vậy kết quả ban đầu đạt được ra sao và ông đánh giá thế nào về sự thay đổi nhận thức của ngư dân sau khi thực hiện kế hoạch này?

- Ông Lê Hữu Toàn: Định danh tàu thuyền là một nội dung mới được thực hiện theo Đề án 06 về định danh VNeID, kết hợp với việc định danh tàu thuyền. Kiên Giang là một trong những tỉnh được Trung ương chọn làm mô hình gắn kết giữa VNeID và định danh tàu thuyền nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ để quản lý hiệu quả đội tàu. Việc định danh tàu thuyền mang lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, việc định danh giúp xác định chủ sở hữu hợp pháp của tàu thông qua việc liên kết thông tin giữa tàu và căn cước công dân, lưu trữ toàn bộ dữ liệu trong hệ thống VNeID, giúp quản lý tốt hơn.

Thứ hai, thông qua định danh, việc truy xuất nguồn gốc và quản lý sản lượng hải sản trở nên minh bạch, giúp ngư dân dễ dàng chứng minh nguồn gốc sản phẩm, nâng cao niềm tin và thu hút sự quan tâm thu mua từ các doanh nghiệp.

Thứ ba, định danh tàu thuyền còn hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Khi xảy ra sự cố, việc xác định đối tượng để hỗ trợ sẽ nhanh chóng và chính xác hơn, nâng cao hiệu quả cứu nạn.

Thứ tư, định danh tàu thuyền giúp quản lý minh bạch về hành chính và xử lý vi phạm. Khi tàu đã được định danh, chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp, cơ quan nhà nước dễ dàng thực thi pháp luật và các vi phạm hành chính được xử lý rõ ràng, minh bạch.

Hiện nay, Kiên Giang đã hoàn thành định danh cho hơn 97% số tàu bắt buộc phải đăng ký, tương đương với 8.218 tàu đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Tỉnh còn khoảng 200 tàu chưa hoàn tất định danh và đang phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn thiện. Tỉnh kêu gọi ngư dân sở hữu những tàu này hãy nhanh chóng liên hệ với chính quyền để được hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Ngoài ra, đối với các tàu “3 không” đang được xử lý, khi đăng ký định danh, ngư dân sẽ có đầy đủ thủ tục và hồ sơ trên VNeID, đảm bảo các quyền lợi của mình. Ngành nông nghiệp đang triển khai toàn diện các bước để minh bạch nghề cá của Kiên Giang và đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Tỉnh mong người dân tiếp tục phối hợp, hoàn tất việc định danh tàu thuyền để cùng góp phần xây dựng ngành thủy sản bền vững và minh bạch.

- Phóng viên: Cảm ơn ông!

TÂY HỒ thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/kien-giang-trien-khai-truy-xuat-nguon-goc-thuy-san-22292.html