Kiên Hải tập trung phát triển và đổi mới hình thức nuôi biển

Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đang phát huy lợi thế về tiềm năng biển, tập trung phát triển và đổi mới hình thức nuôi biển, hướng tới phát triển nền kinh tế biển bền vững.

Anh Phạm Văn Lưu, ngụ xã An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) chăm sóc cá.

Anh Phạm Văn Lưu, ngụ xã An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) chăm sóc cá.

Huyện Kiên Hải (Kiên Giang) có hơn 23 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích hơn 2.474ha,dân số hơn 18.000 người. Kiên Hải có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du và tất cả đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Người dân trong huyện sống chủ yếu bằng nghề biển, một bộ phận làm vườn và thương mại - dịch vụ...

Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Kiên Hải có tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Hơn 4 năm (từ 2019-2023), Kiên Hải được đầu tư hơn 509 tỷ đồng để xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.

Hiện phương tiện vận chuyển từ đất liền ra vào các đảo đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu. Giao thông thuận tiện đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đồng thời giúp kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá.

Giám đốc vận hành khu nuôi Australis Kiên Giang (Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australis Việt Nam) Hoàng Ngọc Bình cho biết nhu cầu phát triển nuôi biển ngày càng lớn, nhưng hiện nay việc thực hiện các dự án nuôi biển còn nhiều trở ngại, nhất là đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại về quy hoạch vùng nuôi, quy trình thủ tục về đăng ký nuôi biển mặc dù được ban hành, nhưng còn vướng về mặt cơ chế...

Du khách mua đặc sản từ biển tại huyện Kiên Hải (Kiên Hải).

Du khách mua đặc sản từ biển tại huyện Kiên Hải (Kiên Hải).

Theo bà Trần Thị Hội - Giám đốc Hợp tác xã Nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du (Kiên Hải), hiện nghề nuôi cá lồng bè ở xã Nam Du phát triển. Nhưng để việc nuôi cá lồng bè của xã phát triển theo hướng bền vững phải tập trung các giải pháp nhằm giảm rủi ro trong quá trình nuôi, cũng như thuận tiện trong quá trình quản lý.

"Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Hải sớm công bố quy hoạch vùng nuôi thủy sản và vùng neo đậu tàu thuyền xã Nam Du. Chính quyền cần có chính sách khuyến khích để người dân manh dạn đầu tư nuôi theo hình thức hiện đại. Chính quyền cần hỗ trợ nông dân mô hình nuôi cá lòng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Nauy) nhằm từng bước hiện đại hóa nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã Nam Du”, bà Trần Thị Hội kiến nghị.

Ông Tạ Thanh Tùng, ngụ ấp An Cư, xã An Sơn (Kiên Hải) có hơn 10 năm nuôi thủy sản. Ông Tùng đang nuôi 6 bè với 24 lồng (có 4 lồng bằng ống nhựa HDPE), hơn 30.000 cá mú trân châu đang phát triển tốt. Ông Tùng cho biết sẽ chuyển đổi thay thế bè gỗ sang bè bằng ống nhựa HDPE.

“Hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, các ngành chức năng sớm hướng dẫn, khuyến khích người dân liên kết với các cơ sở phân phối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn, bền vững”, ông Tạ Thanh Tùng nói.

Bí thư Huyện ủy Kiên Hải Trần Quốc Việt cho biết, địa phương đang tập trung phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng nâng lên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của từng loại hình sản xuất. Kiên Hải hiện nay có 3 doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australis Việt Nam, Tập đoàn Mavin và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hiền Công được tỉnh Kiên Giang phê duyệt chủ trương giao khu vực để nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản....

Bài và ảnh: THANH DƯ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/kien-hai-tap-trung-phat-trien-va-doi-moi-hinh-thuc-nuoi-bien-20672.html