Kiến nghị bãi bỏ các quy định gây lãng phí trong chăn nuôi

Việc phải áp dụng hình thức công bố hợp quy và đưa hầu hết các chỉ tiêu chất lượng vào trong quy chuẩn kỹ thuật để quản lý thức ăn chăn nuôi như hiện nay làm phát sinh nhiều chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp.

4 hội và hiệp hội chăn nuôi vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các bộ, ngành, ủy ban liên quan xem xét, tháo gỡ một số vấn đề bất cập.

4 hội và hiệp hội này gồm: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam.

Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa quy định công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT). Trong thời gian chờ sửa Luật, cho phép tạm ngừng việc thực hiện công bố hợp quy với những mặt hàng này.

Việc phải áp dụng hình thức công bố hợp quy với thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y như hiện nay chỉ mang tính hình thức, không có hiệu quả quản lý, nhưng làm phát sinh nhiều chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp.

4 hiệp hội chăn nuôi kiến nghị tháo gỡ những quy định bất cập.

4 hiệp hội chăn nuôi kiến nghị tháo gỡ những quy định bất cập.

Theo quy định của pháp luật, QCKT là do Nhà nước ban hành, nhằm quản lý các chỉ tiêu gây mất an toàn, ảnh hưởng không tốt tới môi trường, sức khỏe con người, vật nuôi và bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải thực hiện việc giám sát nghiêm ngặt.

Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sẽ do doanh nghiệp tự quyết định và công bố để người sử dụng biết và lựa chọn.

Tuy nhiên, theo các hiệp hội trên, hiện nay có rất nhiều QCKT, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc thú y đã đưa hầu hết các chỉ tiêu chất lượng vào trong QCKT để quản lý.

Quy định này không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, làm phát sinh chi phí và khó khăn trong thực thi pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y là rất tốn kém. Chỉ tính riêng phần chi phí phân tích thử nghiệm mẫu đã là rất lớn.

Trong đó, với thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y dao động từ 2 - 4 triệu đồng/sản phẩm và từ 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm vaccine của lần đánh giá công nhận…

Nếu tính cho 1 doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm và cả ngành chăn nuôi, thú y có hàng ngàn cơ sở sản xuất thì chi phí này đã mất tới hàng trăm tỷ đồng, chưa kể làm mất thời gian và sự nghiêm túc của người dân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật.

Các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa nội dung tính thuế giá trị gia tăng trong Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong thời gian chờ sửa luật, tạm dừng chưa thực hiện quy định này đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Ở Việt Nam, phần lớn các sản phẩm chăn nuôi chưa qua chế biến đang được tiêu thụ tại các hộ kinh doanh cá thể và trong các chợ truyền thống.

Do vậy, nếu các sản phẩm chăn nuôi qua sơ chế, giết mổ công nghiệp đã phát sinh nhiều chi phí so với giết mổ thủ công lại phải cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng, sẽ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm chăn nuôi “trôi nổi không được kiểm soát chất lượng, an toàn, thuế” và với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu.

Ngoài ra, 4 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các Bộ NN&PTNT, Công Thương, KH&CN, Công an, Quốc phòng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/kien-nghi-bai-bo-cac-quy-dinh-gay-lang-phi-trong-chan-nuoi/20240315094339498