Kiến nghị cần có khung giá trần bồi thường khi giải phóng mặt bằng

Chiều nay 18/3/2021, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Công thương và một số sở, ngành liên quan về tình hình và kết quả thực hiện thu hút đầu tư, triển khai các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020; tiến độ, kết quả triển khai các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; chấp thuận chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

 Thi công lắp đặt trụ điện tại một dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa - Ảnh: Trần Tuyền

Thi công lắp đặt trụ điện tại một dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa - Ảnh: Trần Tuyền

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án nguồn điện được quy hoạch với tổng công suất 4.746 MW và trên 70 dự án, tổng công suất 10.700 MW đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét bổ sung vào quy hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hầu hết các chủ đầu tư đều gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.

Đơn cử như chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 phản ánh tại địa phương, một số nhà đầu tư đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo phương thức tự thỏa thuận trực tiếp với người dân. Đơn giá các đơn vị này trả cho người dân đa số cao hơn đơn giá quy định của UBND tỉnh nên nhiều hộ đòi hỏi giá bồi thường cao, không chịu kiểm kê và nhận bồi thường, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án khác. Các dự án Nhà máy Điện gió Hướng Phùng 2, 3 và Gelex 1, 2, 3 phản ánh công tác giải phóng mặt bằng hành lang tuyến điện 110kV đang gặp khó khăn trong quá trình đo đạc, kiểm đếm do một số hộ gia đình không hợp tác.

Từ đó, kiến nghị các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh có chủ trương kịp thời về khung giá trần bồi thường khi giải phóng mặt bằng cho tất cả các dự án trên địa bàn; tạo điều kiện, phối hợp với chủ đầu tư để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định trong công tác giải phóng mặt bằng; nắm và xử lý các đối tượng xúi giục, kích động làm cho người dân hiểu sai về chủ trương đầu tư gây tăng chi phí cho dự án và chậm tiến độ thi công...

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh đề nghị thời gian tới Sở Công thương cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu UBND tỉnh xem xét kỹ khi có dự án thủy điện đầu tư trên địa bàn. Đối với các dự án điện gió, cần cân đối hài hòa về nhiều mặt, đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội tại những nơi triển khai dự án. Các dự án đầu tư về lĩnh vực năng lượng cần phải nghiêm túc thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2020. Đối với kiến nghị của nhà đầu tư, đoàn giám sát sẽ tổng hợp, đề xuất các cơ quan có liên quan sớm thực hiện để các dự án được triển khai đúng tiến độ.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=156173&title=kien-nghi-can-co-khung-gia-tran-boi-thuong-khi-giai-phong-mat-bang