Kiến nghị chiếu phim sau 0h: Thúc đẩy kinh tế đêm

Bốn hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam cùng kiến nghị lên Chính phủ cho phép chiếu phim sau 0h. Luật Điện ảnh sửa đổi theo hướng cởi mở, khuyến khích sản xuất và phát hành phim, vì thế quy định khung giờ hiện nay đang là một trong những rào cản.

Xin được chiếu phim sau 0h

Bốn hệ thống rạp chiếu lớn nhất Việt Nam gồm CGV, Galaxy, BHD Star, Lotte gửi bản đề nghị xin Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Điện ảnh xem xét về việc cho phép các rạp chiếu phim hoạt động sau 24h như một trong những ngành chủ đạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, góp phần tạo thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước.

Ngày càng đông khán giả chọn khung giờ chiếu muộn. Ảnh: KỲ SƠN

Ngày càng đông khán giả chọn khung giờ chiếu muộn. Ảnh: KỲ SƠN

Bốn hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam nêu bất cập lớn nhất về quy định khung giờ chiếu. Hoạt động chiếu phim đang bị hạn chế trong khung từ 8 giờ đến 24 giờ hằng ngày, nếu vượt quá sẽ phải chịu xử phạt hành chính. Cụ thể, Nghị định số 38 (NĐ 38/2021/NĐ-CP) ngày 29/3/2021 quy định mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với việc chiếu phim ngoài khung giờ nói trên. Quy định này đang hạn chế cơ hội thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại rạp của một bộ phận khán giả nếu các bộ phim kéo dài quá 0h. Điều này không phù hợp với chủ trương phát triển đa dạng các dịch vụ văn hóa giải trí lành mạnh khi thành phố lên đèn.

Đang lấy ý kiến sửa nghị định

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, việc sửa Nghị định 38 không chỉ là kiến nghị, góp ý cụ thể của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. “Hiện nay một số pháp luật chuyên ngành liên quan đang có sự điều chỉnh, trong đó có Luật Điện ảnh đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2023. Khi pháp luật chuyên ngành thay đổi, các quy định về xử phạt hành chính cũng phải thay đổi để phù hợp với pháp luật chuyên ngành. Việc rà soát, sửa đổi Nghị định 38 đang được thực hiện trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương có liên quan”, đại diện Vụ Pháp chế nói.

Luật Điện ảnh vừa ban hành, Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng các nghị định, Thông tư quy định chi tiết. “Quá trình lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các tổ chức liên quan, nghiên cứu các văn bản chi tiết, thông tư sẽ cho thấy bức tranh chung về việc thực thi quy định mới, cập nhật những điều liên quan đến quy định xử phạt cho phù hợp”, đại diện Vụ Pháp chế nói. Được biết, ban soạn thảo đang tiếp thu ý kiến và cố gắng chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Chính phủ trong năm nay. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 1/1/2023, vì vậy việc chỉnh sửa quy định pháp luật về xử phạt hành chính có liên quan cũng cần có hiệu lực sớm, đảm bảo thống nhất, đồng bộ về mặt pháp luật.

Hiện nay, thị trường phim chiếu rạp là một trong những thị trường quan trọng đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của ngành điện ảnh trên toàn quốc và góp phần thực hiện chủ trương xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Trên thế giới, hoạt động về đêm ở nhiều quốc gia không chỉ được coi sản phẩm du lịch, giải trí hấp dẫn mà còn trở thành nguồn thu chính của ngành du lịch, văn hóa, bao gồm hoạt động chiếu phim. Tại Việt Nam, nhu cầu và tiềm năng phát triển các dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa ban đêm trong đó có sự đóng góp khá lớn của hệ thống các rạp chiếu phim là tất yếu, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Bên cạnh đó, rạp chiếu phim là loại hình kinh doanh đặc thù, với những yêu cầu rất chặt chẽ về thiết kế, cách âm, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác của pháp luật. Vậy nên, các suất chiếu muộn của hệ thống rạp chiếu hoàn toàn đảm bảo an ninh an toàn, trật tự đô thị, đảm bảo cách biệt không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

“Nới” khung giờ có điều kiện

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc có điều chỉnh giờ chiếu phim hay không. “Tuy nhiên, Cục Điện ảnh sẽ có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL để nêu vấn đề và báo cáo với Chính phủ”, ông Thành nói.

Khi được hỏi quan điểm về kiến nghị nới khung giờ chiếu phim, ông Vi Kiến Thành nêu “tinh thần chung là ủng hộ”. “Tuy nhiên việc ủng hộ cần có điều kiện. Cục Điện ảnh sẽ tham mưu theo hướng, tỉnh/thành nào đang triển khai phát triển kinh tế đêm sẽ được thay đổi khung giờ chiếu phim. Chúng ta không thể đồng loạt thay đổi khung giờ. Hơn nữa, để kiến nghị này có thể đi vào đời sống, các nhà quản lý phải quan tâm tới các quy định ở các văn bản luật khác, cụ thể là Nghị định 38. Chính phủ cần có thời gian cân nhắc, nghe ý kiến các bộ ngành khác, trong đó có Bộ Công an vì liên quan tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ông Vi Kiến Thành nêu.

TOAN TOAN

Cú hích cho kinh tế đêm

Hiện nay, nhiều người trẻ làm việc không theo giờ hành chính, mà thường “tan ca” gần nửa đêm. Lúc đó gần như không có bất kỳ loại hình giải trí gì khác (trừ một số quán bar, cà phê…), trong khi họ có nhu cầu xem phim ở rạp như một lựa chọn giải trí. Phần lớn các rạp chiếu đều ở các trung tâm, khu thương mại và thu hút lượng lớn khán giả trẻ.

“Nếu có suất chiếu sau 0h, tôi sẽ đi xem phim nhiều hơn. Tôi nghĩ vào thời điểm đó rạp phim sẽ vắng, không phải xếp hàng chờ đợi mua vé. Khách ít nên chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn”, Trần Phương Linh (23 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói. Nguyễn Hồng Phương (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi làm về khá muộn, khung chiếu phim toàn lại trùng thời điểm lo việc nhà cửa, sinh hoạt nên khó có thể đến rạp. “Chiếu phim sau 0h có lẽ bớt ồn ào, tôi nghĩ nhiều người sẽ tận hưởng bộ phim hơn”, Phương chia sẻ. Vũ Minh Châu-bà mẹ trẻ (quận Hoàng Mai)- có con nhỏ nên muốn tranh thủ khung giờ muộn để đến rạp. Cô rất thích cảm giác xem phim gia đình, phim tâm lý tình cảm ở suất chiếu muộn vì “cảm xúc sâu sắc hơn”.

Nhìn ra khu vực, hệ thống rạp chiếu phim của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... có nhiều suất chiếu muộn sau 0h. Cụ thể tại Hàn Quốc, cụm rạp CGV duy trì các suất chiếu muộn sau 0h, cụm rạp Megabox mở cửa 24/7.... Tại Nhật Bản, rạp Shinjuku Wald 9, rạp Toho Cinemas Roppongi có suất chiếu muộn nhất lúc 2h30 sáng, rạp Toho Cinemas Shinjuku có suất chiếu muộn nhất lúc 2h... Bên cạnh đó, rạp chiếu phim chiếu phim ngoài trời (Maple Drive In Cinema) ở Trung Quốc mở cửa từ 16h đến 4h30 sáng hôm sau.

Tăng các suất chiếu sau 0h góp phần kích thích kinh tế đêm Ảnh: KỲ SƠN

Tăng các suất chiếu sau 0h góp phần kích thích kinh tế đêm Ảnh: KỲ SƠN

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Galaxy nêu thực tế, ngày càng nhiều khán giả chỉ thu xếp được thời gian xem phim vào khung giờ muộn. “Nếu khán giả muốn về trước 24h, có nghĩa suất chiếu cuối cùng thường phải bắt đầu vào 21h-21h30, do thời lượng phim có khi kéo dài 2-3 tiếng. Hơn nữa xem phim cũng là hoạt động văn hóa lành mạnh, phù hợp với chủ trương và chiến lược phát triển kinh tế đêm của Chính phủ. Hoạt động phim ảnh sẽ cộng hưởng với nhiều hoạt động ban đêm khác để kích thích nhu cầu người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế đêm”, bà Hoa nói.

Giám đốc Nội dung của CGV-ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích, ở các khu đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, nhu cầu xem phim ở khung giờ muộn tương đối nhiều. Không ít khách hàng có nhu cầu xem suất trễ từ 22-22h30 trở đi, vì thế chắc chắn phim sẽ kết thúc sau 0h và đẩy các hệ thống rạp vào tình huống vi phạm quy định, phải chịu xử phạt. “Xem phim rạp là hoạt động giải trí lành mạnh, đáng được khuyến khích, nhất là điều này góp phần thúc đẩy kinh tế đêm”, ông Hoàng Hải nêu. Ông Hải cho biết, khán giả lựa chọn các suất trễ thường là gia đình trẻ, hoặc khán giả từ 22-30 tuổi. Nếu nhìn vào phân khúc khán giả đến rạp, có tới 80% người mua vé dưới 30 tuổi, cho nên việc mở các suất chiếu muộn khá hợp lý.

Đem lại nguồn thu lớn

Theo báo cáo của Hiệp hội ngành công nghiệp ban đêm của Anh, ngành này mang lại doanh thu hàng năm khoảng 66 tỷ bảng Anh, trong đó các hoạt động về văn hóa, giải trí chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng ước tính việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Văn hóa giải trí được đưa vào 12 nhóm chính để phát triển kinh tế đêm từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, trong đó có rạp chiếu phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nhà…

Thói quen xem phim của người dân thay đổi rất lớn trong thời gian qua. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia quan sát và ghi nhận xu hướng này: “Trước đây 20h là khung giờ đẹp để xem phim, nhưng bây giờ thanh niên đi học, đi làm có thể là tới 20h chưa kết thúc công việc. Mọi người có xu hướng đi xem muộn hơn. Khách xem suất 21h khá đông, có người lại xem suất muộn hẳn 22h30 nhưng dù gì mọi buổi chiếu vẫn kết thúc trước 1h sáng. Trừ hai ngày: Lễ tình nhân và ngày Giáng sinh, các suất chiếu kết thúc muộn hơn, có thể tới 1h30 sáng hôm sau”.

Câu chuyện mở thêm suất chiếu phim muộn dù được phần lớn các nhà quản lý, doanh nghiệp và dư luận đồng thuận, thế nhưng vẫn cần được bàn bạc kỹ lưỡng hơn. Các nhà quản lý và doanh nghiệp phải giải bài toán về nhân sự, đảm bảo hoạt động vận hành rạp chiếu hiệu quả và an toàn.

NGUYÊN KHÁNH-GIA LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kien-nghi-chieu-phim-sau-0h-thuc-day-kinh-te-dem-post1464026.tpo