KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ TRONG TRƯỜNG HỢP TẠM DỪNG HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DO DỊCH COVID-19
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng một số địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; có tình trạng mắc bệnh mới tham gia bảo hiểm y tế; đề xuất chính sách hỗ trợ người đóng bảo hiểm y tế trong trường hợp tạm dừng hợp đồng lao động do dịch COVID-19… Đó là nội dung được lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã báo cáo và kiến nghị với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng'.
GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: RÀ SOÁT TOÀN DIỆN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Báo cáo của Bộ Y tế tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 88,04 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,97% dân số, vượt 10,97% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội.
Cập nhật thêm về lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 92,04%, tăng hơn 2 triệu người so với năm 2021, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội đề ra.
Có được kết quả này, thời gian qua Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm y tế, chỉ đạo thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013, Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi đóng bảo hiểm y tế. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm y tế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử. Kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế.
Có tình trạng khi mắc bệnh, người dân mới tham gia bảo hiểm y tế.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân cũng gặp một số tồn tại, hạn chế nhất định. Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đây là hình thức bắt buộc, tuy nhiên chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế nhưng không tham gia (học sinh, sinh viên, hộ gia đình). Hơn nữa, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Quảng Bình, Bến Tre) gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho một số người tham gia như người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số doanh nghiệp vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, như:TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Đồng Nai, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Dương.. Đặc biệt năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số doanh nghiệp tạm dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia bảo hiểm y tế. Một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm nên số nợ bảo hiểm y tế tăng cao so với năm 2019.
Qua thống kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm gần đây cho thấy, nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình có tỷ lệ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (tính trên số đóng bảo hiểm y tế) cao nhất trong số các nhóm đối tượng bảo hiểm y tế (năm 2017: 302%, năm 2018: 262%, năm 2019: 245%). Có cùng mức đống bảo hiểm y tế, nhưng nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, thân nhân quân đội, công an…) chi phí thấp hơn rất nhiều. Điều này cho thấy có tình trạng mắc bệnh mới tham gia bảo hiểm y tế.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ người đóng bảo hiểm y tế trong trường hợp tạm dừng hợp đồng lao động do dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, nguyên nhân của các tồn tại trên là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội nói chung, trong đó có việc phát triển người tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, hiện chưa có quy định về mức đóng, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người lao động tạm dừng hợp đồng lao động do dịch COVID-19.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm, thời gian qua, nhiều lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không được tiếp tục đóng bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhưng chưa được quy định, hướng dẫn tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng khác. Ngoài ra, nhiều đơn vị sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm y tế cho người lao động do giảm nguồn thu trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, các vấn đề nêu trên không có quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội có giải pháp để người lao động tiếp tục được tham gia bảo hiểm y tế, được bảo đảm chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn dịch bệnh, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh và chính sách bảo hiểm vẫn đảm bảo nguyên tắc đóng-hưởng theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74433