Kiến nghị cơ chế ưu đãi trong phát triển điện sạch
Phản ứng trước những quy định về khung giá điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp của Bộ Công thương, ngày 10/3 vừa qua, Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận cùng 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp ở nhiều địa phương đã đồng loạt ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về những vướng mắc này.
Các doanh nghiệp này cũng khẳng định họ đã góp phần đưa tổng công suất lắp đặt nguồn phát điện mặt trời, điện gió từ mức không đáng kể trong giai đoạn trước năm 2019 tăng lên đạt tỷ lệ 26% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia ngay từ năm 2021.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên đã có 84 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất lên đến 4.676 MW (gồm 4.184 MW điện gió và 491 MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Do đó các dự án này được coi là dự án chuyển tiếp và không được hưởng giá điện ưu đãi (FIT) theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2018 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện sạch.
Đặc biệt có nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất lên đến 2.090 MW (gồm 28 dự án điện gió, tổng công suất 1.638 MW và 6 dự án điện mặt trời có tổng công suất 452 MWac) đã hoàn tất việc thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động. Thế nhưng các nhà đầu tư đã phải chờ đợi trong thời gian dài để chờ cơ chế giá phát điện mới làm căn cứ cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Hiện vẫn còn 2.090 MW công suất năng lượng tái tạo, gồm 1.638 MW điện gió và 452 MW điện mặt trời đã hoàn thành chưa được khai thác. Chỉ cần tính với hiệu suất khai thác trung bình ở mức 25-32% công suất lắp đặt, hàng năm đã có hơn 5,58 tỷ kWh sản lượng năng lượng tái tạo (gồm hơn 4,59 tỷ kWh điện gió và 989 triệu kWh điện mặt trời) đã bị bỏ đi một cách lãng phí. Căn cứ theo định mức giá điện từ cơ chế mới đã được Bộ Công thương công bố gần đây, với mức sản lượng này các doanh nghiệp đầu tư điện sạch đang bị lãng phí hơn hơn 23 tỷ đồng mỗi ngày. Và với việc cơ chế quy định giá điện mới chậm trễ hơn 1 năm như vừa qua thì con số lỗ của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện gió, điện mặt trời là một con số rất lớn. Điều này cho thấy khung chính sách quản lý vĩ mô đã gây ra hậu quả nghiêm trọng tới vốn đầu tư xã hội, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng”, ông Quốc Trung, một chuyên gia tư vấn phát triển năng lượng tái tạo nhận xét.
Sau thời gian dài chờ đợi, chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công thương ban hành. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi, các quy định của Bộ Công thương đã khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng. Các bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính có thể khiến nhà đầu tư lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản. Đặc biệt hơn nữa, những quy định của Bộ Công thương sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra. Cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển điện sạch và còn gây ảnh hưởng tới cả hệ hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, nếu cơ chế giá điện mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đầu tư gần 85 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 nghìn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ đổ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Về lâu dài, cơ chế giá không đạt hiệu quả cũng sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án điện sạch dẫn tới không đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch năng lưọng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ. Thực trạng trên cũng làm suy giảm cơ hội tạo chuỗi cung ứng nội địa và tạo việc làm cho người dân địa phương có dự án.
Phản biện lại quy định về khung giá điện, các doanh nghiệp đều nêu quan điểm, quá trình Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về khung giá điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng. Việc giao cho EVN xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn của bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ chế giá phát điện cho dự án điện mặt trời và điện gió áp dụng từ ngày 1/1/2021 chưa được Bộ Công thương quan tâm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định theo quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, phương pháp tính toán của EVN có nhiều điểm chưa phù hợp trong việc sử dụng tổng mức đầu tư của dự án như không bao gồm 10% chi phí dự phòng để tính khung giá điện. Phương pháp tính này cũng loại bỏ các dự án có kết quả tính toán giá phát điện cao hơn giá FIT trước đây khỏi dữ liệu... Các vấn đề trên đã dẫn tới một khung giá điện bất hợp lý.
Trong khi đó, theo tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu xây dựng các chính sách đột phá để tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Hiện tại, các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như qui định của Chính phủ về hỗ trợ, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn hiệu lực.
Dù vậy, Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/1/2023 của Bộ Công thương đã bãi bỏ 3 nội dung quan trọng đã quy định trước đó, gồm bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD và bãi bỏ điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận. Các nhà đầu tư trên còn quan ngại rằng, cùng với một khung giá điện bất hợp lý trong Quyết Định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông tư 01 của Bộ Công thương sẽ làm thay đổi mô hình tài chính. Từ đó dẫn đến nguy cơ làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản và làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển điện sạch...