Kiến nghị có cơ chế bảo hộ cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ

Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là rủi ro về phòng vệ thương mại và phương thức thanh toán.

Gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại

Tại tọa đàm trực tuyến “Những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ” ngày 7/11, Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó trưởng Văn phòng Luật sư IDVN nhận định, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Đây là khó khăn lớn ngoài những thách thức liên quan đến tiêu chuẩn về kỹ thuật, xuất xứ hoặc rào cản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, lao động…

PVTM là công cụ được cho phép bởi pháp luật Mỹ cũng như những cam kết quốc tế của WTO.

Theo bà Thảo, qua theo dõi các vụ việc PVTM, bà nhận thấy có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến một số nhóm hàng của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ các vụ kiện PVTM của Mỹ.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất, hàng hóa Việt Nam đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với hàng hóa dân sự được sản xuất tại Mỹ.

Cụ thể, lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ gia tăng do có thể các đối thủ, quan trọng nhất là Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp dẫn tới thị phần được chia nhỏ cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Cũng có thể xuất phát từ chính việc Trung Quốc bị áp thuế và họ dịch chuyển đầu tư, sản xuất sang Việt Nam, từ đó dẫn tới lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang tăng.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.

Ngoài ra còn có lý do từ nội tại DN Việt Nam. Bản thân các DN Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh về nguyên

liệu, lao động nên chi phí sản xuất so với Mỹ thấp hơn rất nhiều.

Nhóm nguyên nhân thứ hai, hàng hóa Việt Nam bị điều tra là do bị “vạ lây”. Có thể doanh thu, kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng phía nguyên đơn, các DN sản xuất tại Mỹ muốn phòng ngừa trường hợp dịch chuyển thương mại. Do đó, khi họ điều tra các quốc gia có nguy cơ PVTM trực tiếp đối với họ, họ ghép luôn Việt Nam vào việc khởi xướng điều tra PVTM.

Bà Thảo dự đoán, Việt Nam có một số mặt hàng gỗ đang là đối tượng điều tra PVTM nhưng có nguy cơ cao chịu cuộc điều tra liên quan đến chống lẩn tránh dựa trên cáo buộc Việt Nam sử dụng bán thành phẩm, ví dụ như khung, cửa, ngăn kéo từ Trung Quốc. Nếu vụ kiện này kết thúc thì Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ khác là điều tra chống bán phá giá.

Thông thường biện pháp chống lẩn tránh không có quá nhiều hiệu quả thì phía nguyên đơn Mỹ sẽ tính đến phương án tiếp theo là điều tra chống bán phá.

Đá nhân tạo cũng là sản phẩm có nguy cơ cao vì sản phẩm này đã bị áp thuế ở hầu hết các quốc gia sản xuất lớn như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.

Với việc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, DN Việt Nam cần phải hiểu rằng khi xuất khẩu sang Mỹ bắt buộc cần phải quan tâm đến rủi ro về PVTM khi hoạt động trên sân chơi của nước bạn.

Lưu ý đầu tiên mà các DN Việt Nam cần quan tâm là quy định PVTM của Mỹ, có bao nhiêu biện pháp và hình thức điều tra ra sao.

Khoảng 5, 6 năm trước đây, hình thức PVTM của Mỹ là dạng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Nhưng gần đây, Mỹ đã gia tăng nhiều hơn các hình thức khác, trong đó đáng chú ý là gia tăng đáng kể các cuộc điều tra gian lận xuất xứ.

Rủi ro trong thanh toán

Ngoài rủi ro về PVTM, gần đây, các DN khi xuất khẩu sang Mỹ cũng có những rủi ro khác liên quan đến vấn đề hợp đồng thanh toán.

Ông Đào Quốc Hoàn - Ban Pháp chế và kiểm soát nội bộ, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, các DN Mỹ thường ưu tiên đối với khách hàng thanh toán chậm từ 60 - 90 ngày, họ không chấp nhận thanh toán LC cũng như trả ngay bằng thanh toán điện tử. Do vậy, cũng khá rủi ro đối với DN xuất khẩu của Việt Nam.

Thông tin DN Mỹ rất khó thu thập và kịp thời, đặc biệt là các công ty, tập đoàn gia đình càng khó khăn hơn đối với thông tin công bố chính xác.

Thứ ba, khi gặp các rủi ro, khách hàng Mỹ lập tức tìm cách trì hoãn hoặc tuyên bố phá sản để bảo đảm lợi ích của họ, không quan tâm tới DN Việt Nam. Trong khi đó, mỗi một bang của Mỹ có quy định khác nhau.

Thứ tư, khi gặp sự cố, DN khó tìm được công ty tư vấn luật am hiểu về thị trường Mỹ và không có kênh thông tin tư vấn về pháp luật cho các DN, hoặc không phổ cập cho các DN.

Cần cơ chế bảo hộ cho doanh nghiệp

Từ những khó khăn này, ông Hoàn kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế bảo hộ cho các DN Việt Nam khi tham gia thị trường Mỹ. Cung cấp danh sách các DN có uy tín, DN cần lưu ý và những thông tin liên quan và làm việc với Bộ Công Thương Mỹ về vấn đề pháp lý cho các DN Việt Nam.

Vừa rồi, việc công ty NobleHouse HomeFurniture LLC của Mỹ nộp đơn phá sản lên Tòa án Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn đến DN Việt Nam. DN Việt Nam rất khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty luật hỗ trợ pháp lý.

Bên cạnh đó, ông Hoàn đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ pháp lý, chỉ dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết cho các DN trong tổng công ty liên quan đến việcNobleHouse HomeFurniture LLCphá sản.

Chia sẻ thông tin liên quan đến các vụ việc giải quyết tranh chấp phá sản có liên quan đến các DN Việt Nam trước đây.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương quan tâm, giúp đỡ các DN trong vụ việc nêu trên để DN thực hiện việc thu hồi tài sản bị thiệt hại, khắc phục những tổn thất và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, ông Hoàn nêu.

Đưa ra khuyến nghị cho DN, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó trưởng văn phòng IDVN cho biết, trong quá trình thương thảo hợp đồng, DN nên có ban pháp chế, luật sư tư vấn.

Và trước khi thương thảo hợp đồng, DN cần tìm hiểu về đối tác, ít nhất là tìm hiểu về khả năng tài chính của đối tác sẽ ký kết hợp đồng.

Điều quan trọng nhất khi giao dịch với đối tác Mỹ là các DN Việt Nam nên có sự trang bị về kiến thức, quy định pháp lý tại thị trường Mỹ.

Liên quan đến điều khoản giao hàng, khi đàm phán để hướng tới việc sử dụng thanh toán LC, DN nên nhượng bộ ở một điểm nào đó, có thể về giá hoặc về lượng, để tạo ra động lực cho phía Mỹ chấp nhận đề xuất của mình. Các DN cần cân nhắc trong việc đàm phán hợp đồng cẩn thận, luôn phải có điều khoản về giải quyết tranh chấp.

Nên hạn chế sử dụng hợp đồng mẫu do bên đối tác cung cấp hoặc các tài liệu thay thế cho hợp đồng như PO, Commercial Invoice vì các tài liệu này không có các điều khoản bảo đảm về giải quyết tranh chấp hoặc điều khoản để ràng buộc, bảo đảm nghĩa vụ của đối tác…

“Việc tìm kiếm thông tin, đánh giá đối tác là bước quan trọng nhất bởi vì giao dịch cũng như đánh trận, phải chuẩn bị trước, không chuẩn bị thì rất dễ thua trận. Trong PVTM cũng như vậy”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/kien-nghi-co-co-che-bao-ho-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-sang-my/20231108025940372