Kiến nghị của cử tri gửi tới HĐND TP Hà Nội: 'Nóng' vấn đề giao thông, môi trường

Thường trực HĐND TP vừa tổng hợp kiến nghị của cử tri 30 quận, huyện, thị xã nêu ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XV. Trong đó, gần 150 nhóm kiến nghị gửi tới UBND TP cho thấy, quản lý giao thông, môi trường, dự án 'treo', đầu tư công trình công cộng, chính sách cho cán bộ cơ sở… là những vấn đề 'nóng' được đặc biệt quan tâm.

 Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Tây Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Tây Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều bức xúc về quản lý giao thông

Liên quan đến quản lý giao thông đô thị, nhiều cử tri lo lắng tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), mất an toàn giao thông (ATGT) gia tăng, kiến nghị TP quan tâm giải quyết. Theo cử tri, một số nút thường xuyên tắc do lưu lượng người tham gia giao thông lớn, diện tích đường nhỏ nên TP cần đầu tư mở rộng. Sốt ruột về tiến độ một số dự án trọng điểm, cử tri tiếp tục đề nghị TP quan tâm chỉ đạo đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, đẩy nhanh tiến độ công trình đường bộ trên cao Ngã Tư Sở - Minh Khai để vừa hạn chế UTGT vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Từ thực tế địa phương, hàng loạt kiến nghị cụ thể về từng dự án, tuyến đường cũng được nêu ra. Trong đó, cử tri quận Ba Đình đề nghị TP chỉ đạo lắp đặt đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ tại ngã ba Hòe Nhai - Phan Đình Phùng, các ngã tư Kim Mã Thượng - Liễu Giai, Nguyễn Văn Ngọc - Đào Tấn để đảm bảo ATGT. Cử tri Cầu Giấy đề nghị TP chỉ đạo cơ quan chức năng sớm thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn qua Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) do thường ùn tắc giờ cao điểm.

Tại quận Hoàn Kiếm, cử tri mong TP sớm có phương án phân luồng không cho xe du lịch 45 chỗ đi qua phố Lò Sũ vào khu vực Nhà hát Múa rối Thăng Long; cử tri quận Long Biên đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt duy tu, nâng cấp, mở rộng tuyến đê từ Phúc Lợi đến cầu Phù Đổng… Lo lắng tuyến đường Trần Cung (phường Cổ Nhuế 1) có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, mất ATGT, ách tắc cục bộ giờ cao điểm, cử tri Bắc Lừ Liêm cũng đề nghị UBND TP quan tâm sớm đầu tư nâng cấp.

Ô nhiễm môi trường vẫn là nỗi lo thường trực

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa bàn, cử tri một số quận tiếp tục đề nghị TP sớm di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô, trong đó một số nhà máy cần cho chuyển đổi đầu tư xây công viên cây xanh, đáp ứng nhu cầu người dân khu vực. Dự án cống hóa sông Tô Lịch triển khai hạ tầng không đồng bộ, gây ngập úng cục bộ khi mưa to và ô nhiễm môi trường nên TP cần chỉ đạo kiểm tra, kịp thời xử lý. Ngoài ra, các xe chuyên chở thu gom rác tại một số quận rất thô sơ, không đảm bảo VSMT.

Cử tri nhiều huyện bức xúc vì một số nguồn nước xả thải chảy ra sông ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân. Như tại huyện Chương Mỹ, cử tri đề nghị TP sớm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nguồn nước xả thải vào sông Bùi bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hòa, Trường Yên (dẫn từ nguồn nước sông Bùi). Tương tự, cử tri Mỹ Đức vô cùng lo lắng bởi cứ 3 - 4 tuần, nước sông Đáy lại đổi màu đen, bốc mùi lạ, cá chết nhiều, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngầm sinh hoạt của Nhân dân. Cử tri đề nghị TP xử lý nghiêm các nhà máy đầu nguồn xả nước thải trực tiếp ra sông không qua xử lý.

Cùng với đó, rác thải công nghiệp tại nhiều làng nghề đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống người dân, TP chưa triển khai việc thu gom rác này, dẫn đến việc xử lý rác thải sau sản xuất đều chủ yếu người dân tự đốt; cử tri mong TP sớm có biện pháp xử lý. Đặc biệt, cử tri huyện Mê Linh tiếp tục kiến nghị TP không triển khai dự án xây dựng Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước do không đảm bảo quy định về quy hoạch, ảnh hưởng môi trường và cảnh quan Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi 79 Mùa Xuân.

Bên cạnh hai vấn đề “nóng” được đặc biệt quan tâm, các ý kiến cử tri còn phản ánh không ít vấn đề bức xúc khác từ cơ sở. Điển hình là nhiều dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đời sống hàng ngày của người dân; không ít mảnh đất để hoang nhiều năm trong khi nhiều địa bàn dân cư thiếu quỹ đất xây nhà văn hóa phục vụ cộng đồng...

Cử tri cũng mong TP linh hoạt theo số hộ từng tổ dân phố để quy định diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng. Cử tri quận Hai Bà Trưng còn phản ánh: Thông báo 437 ngày 27/10/2016 của Thành ủy về chủ trương đầu tư Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, nhà ở, trường học tại 423 phố Minh Khai nêu rõ chủ đầu tư (Công ty CP Terra Gold Việt Nam) hỗ trợ quận xây nhà văn hóa khu dân cư (bố trí trong đất của dự án); đến nay dự án đã hoàn thành mà chủ đầu tư không bố trí đất xây nhà văn hóa. Cử tri đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng chỉ đạo của Thành ủy.

Việc thực hiện một số thông tư, đề án của T.Ư, TP gần đây liên quan tổ chức bộ máy, chính sách cho cán bộ cơ sở đang là mối quan tâm lớn của cử tri TP. Như trong thực hiện Đề án 21-ĐA/TU ngày 16/9/2019 của Thành ủy về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, cử tri nhiều quận đề nghị TP giải quyết một số bất cập bởi việc thay đổi địa chỉ đang sinh sống gây nhiều khó khăn cho người dân khi đính chính giấy tờ. Trong khi, cử tri nhiều huyện băn khoăn về quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không có chức danh Kế hoạch, Giao thông thủy lợi, Công nghiệp, Nông lâm nghiệp, rất khó khăn cho các xã nhất là các địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp, đang xây dựng nông thôn mới nên đề nghị TP quan tâm bố trí lại chức danh này. Ngoài ra, mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã hiện thấp hơn quy định tại Quyết định 31/2013/QĐ-UBND ngày 6/8/2013 của UBND TP; đề nghị TP cho giữ nguyên mức phụ cấp theo Quyết định này hoặc cao hơn.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kien-nghi-cua-cu-tri-gui-toi-hdndtpha-noi-nong-van-de-giao-thong-moi-truong-359126.html