Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu thịt lợn để tăng nguồn cung
Dự báo tới quý IV năm nay, sản lượng thịt lợn mới đạt được như trước khi có dịch, vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiến nghị Bộ Tài Chính nghiên cứu chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Tăng nhập khẩu thịt lợn được xem là biện pháp để nhanh chóng tăng nguồn cung khi việc tái đàn lợn chưa đáp ứng đủ sản lượng như trước khi có dịch. Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản năm 2020, Bộ NN&PTNT đã đưa ra kiến nghị giảm thuế nhập khẩu thịt lợn.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trước khi có dịch, cả nước cần tới 910.000 tấn thịt lợn/quý. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 đã gây ra tổng thiệt hại 20% về đàn lợn, 9,3% về khối lượng.
Tháng 10/2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung tái đàn và đã có những kết quả khả quan.
Cụ thể, hết quý I/2020, đàn lợn của cả nước là 24 triệu con, tăng 6,3% về số lượng so với tháng 12/2019, riêng khu vực 15 doanh nghiệp sản xuất lớn có tốc độ tăng đàn lên tới 17%. Dù vậy, với tốc độ này, sản lượng thịt lợn mới đạt từ 820.000 - 830.000 tấn.
Đến nay, 99% số xã đã qua ít nhất 30 ngày không có dịch, đã công bố hết dịch; 42 địa phương đã công bố hết dịch. Dự kiến quý II đạt 950.000 tấn; quý III đạt 1.011.000 tấn và quý IV đạt 1.083.000 tấn. Như vậy, phải tới cuối quý III, đầu quý IV, sản lượng thịt lợn mới đạt mức như trước khi có dịch. Do đó, việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn, để đảm bảo lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng hiện nay là cần thiết.
Bộ NN&PTNT đang đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng này trong nước; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị với Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương: Tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ, găm hàng để tăng giá lợn thịt, lợn giống trên thị trường, nỗ lực gia tăng nguồn cung trong giai đoạn hiện tại được kỳ vọng là các giải pháp kéo nhanh giá thịt lợn xuống.