Kiến nghị không tăng viện phí, Bộ Y tế nói gì?
Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị giữ viện phí ở mức ổn định, không thực hiện tăng viện phí để giảm bớt khó khăn và tránh gây áp lực cho người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế…
Bộ Y tế vừa có trả lời cử tri liên quan đến việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và lộ trình tính đúng, đính đủ giá dịch vụ y tế.
Phản hồi cử tri tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế cho biết theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước thanh toán đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành.
ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI ĐIỀU CHỈNH
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước thanh toán đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý, thuộc phạm vi được phân quyền.
Tuy nhiên, mức giá này không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Theo Bộ Y tế, để điều chỉnh được giá khám bệnh, chữa bệnh, Bộ phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá tác động để đề xuất Thủ tướng Chính phủ thời điểm điều chỉnh phù hợp. Không như các giá khác khi yếu tố hình thành giá thay đổi là có thể điểu chỉnh được ngay.
Cụ thể, tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về điều chỉnh lương cơ sở, theo đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải trả lương cho viên chức, người lao động theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024, trong khi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được tính theo mức lương mới. Vì thế, ảnh hưởng đến cân đối thu chi của bệnh viện.
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo đó, từ ngày 1/11/2024, các cơ sở khi xây dựng Hồ sơ phương án giá báo cáo cấp có thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được phép điều chỉnh lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
Bộ Y tế cho biết kiến nghị của cử tri đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. “Việc có điều chỉnh giá khám bệnh hay không, hoặc vẫn giữ mức cũ thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh. Như vậy, địa phương sẽ chủ động đánh giá tác động cũng như bố trí ngân sách Nhà nước cho phù hợp”, Bộ Y tế nêu rõ.
SẼ ĐỀ XUẤT LỘ TRÌNH TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ GIÁ DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH
Cùng với việc giữ viện phí ở mức ổn định, cử tri một số địa phương như Lạng Sơn, Bến Tre…cũng đề nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ xem xét ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh kết cấu đầy đủ các yếu tố.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí như: Chi phí nhân công bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định.
Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác.
Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định. Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có), và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Tuy nhiên Thông tư 22 chỉ tính có 2 yếu tố là: Chi phí nhân công và chi phí trực tiếp, còn lại 2 yếu tố gồm chi phí khấu hao và chi phí quản lý thì chưa thực hiện.
Cử tri cho rằng việc chưa tính đủ các thành phần kết cấu giá sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, chi của cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22 theo hướng tính đủ các thành phần kết cấu giá.
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết giá khám bệnh, chữa bệnh có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, nên Chính phủ đã có chỉ đạo việc thực hiện điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để vừa điều chỉnh được giá, nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Đối với đề xuất đưa các yếu tố chi phí vào giá khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, đánh giá chi tiết.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về lộ trình tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế, và khả năng chi trả của người dân.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-nghi-khong-tang-vien-phi-bo-y-te-noi-gi.htm