Kiến nghị nhiều giải pháp đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây dựng không nung

Hiện khối lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động trên cả nước còn trên 47 triệu tấn. Nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm diện tích bãi thải tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất chỉ chứa lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình, việc đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải là hết sức cần thiết.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị toàn quốc do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 6-11 ở Hà Nội nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 và thực hiện Đề án xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao theo Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau 10 năm triển khai, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đã có chuyển biến tích cực. Hiện cả nước có trên 1.600 cơ sở vật liệu xây không nung, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm (chiếm gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây).

Với sản lượng trên, hằng năm đã tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét (tương đương 375ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công đã được các địa phương thực hiện rất quyết liệt. Đến nay, hầu hết cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu đã chấm dứt hoạt động...

Mặc dù vậy, các cơ sở vật liệu xây không nung mới chỉ phát huy 45-50% công suất thiết kế. Ngoài ra, Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt chỉ tiêu lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất. Song đến nay, khối lượng tro, xỉ tại bãi chứa của các nhà máy còn khá lớn. Cụ thể, lượng phát thải tro, xỉ của 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động trên cả nước là khoảng 14-16 triệu tấn/năm.

Thời gian qua, mặc dù đã tiêu thụ được gần 35 triệu tấn tro, xỉ phát thải (chiếm 44%), nhưng hiện vẫn còn trên 47 triệu tấn. Trong đó, các nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn hơn 20 triệu tấn; các nhà máy thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam tồn gần 15 triệu tấn... Nếu không đẩy mạnh xử lý tro, xỉ than, sẽ dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đóng góp ý kiến, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đại diện tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy nhiệt điện. Lượng tro, xỉ phát sinh đến nay gần 11.000 tấn, hiện mới xử lý được hơn 1.000 tấn. Tỉnh đang coi đây là nhiệm vụ cấp bách, cần quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ, yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tiếp tục ký hợp đồng hợp tác với các đơn vị để tiêu thụ, xử lý tro, xỉ; cũng như yêu cầu các đơn vị tăng cường sử dụng làm vật liệu san lấp, sản xuất cát nhân tạo...

Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng không nung, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua áp dụng khung thuế môi trường, miễn giảm một số thuế cho sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Đặc biệt, hoàn thiện các quy định và giám sát chặt chẽ về sử dụng loại vật liệu này trong các công trình xây dựng.

Để khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng không nung, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, nhất là các địa phương tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về sản xuất và sử dụng loại vật liệu này. Đặc biệt là, ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung và bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng không nung vào các công trình theo tiêu chí cụ thể.

Bộ Xây dựng cũng sẽ hạn chế chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất gạch đất sét nung; giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm diện tích bãi thải tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất chỉ chứa lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình và không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ đã được phê duyệt. Ngoài ra, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón, hóa chất...

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/982959/kien-nghi-nhieu-giai-phap-day-manh-su-dung-vat-lieu-xay-dung-khong-nung