Kiến nghị sớm có luật về khu công nghiệp

Tại Hội thảo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng cần sớm có luật về khu công nghiệp.

Ngày 31-7, tại Đồng Tháp đã diễn ra Hội thảo khu vực ĐBSCL về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế

Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng đánh giá, ĐBSCL đang đứng trước những những thách thức to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường.

Riêng về môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và biến động nước xuyên biên giới từ phía thượng nguồn sông Mekong (làm suy giảm nguồn nước và phù sa) cũng như những vấn đề phát triển nội tại đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái, đời sống, và sinh kế của hàng triệu người dân khu vực.

 Thu hoạch lúa giảm phát thải

Thu hoạch lúa giảm phát thải

“Khảo sát do VCCI triển khai trong năm 2023 cho thấy có tới 72,4% doanh nghiệp ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng”, ông Phòng cho biết.

Với chủ trương thực hiện “kinh tế tuần hoàn” để thúc đẩy “tăng trưởng xanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh đang tập trung chuyển đổi sản xuất đối với ngành hàng chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, cá tra, sen, xoài và hoa kiểng nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn.

Cùng với đó, Đồng Tháp tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, thúc đẩy thực hành xanh, cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và tiêu dùng trước sự biến đổi thất thường của khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu dùng ngày càng nghiêm trọng.

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề về môi trường kinh doanh khu vực ĐBSCL và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của khu vực.

Đặc biệt các đại biểu tập trung thảo luận nhiều về xây dựng khu công nghiệp (KCN) xanh, KCN sinh thái để nắm bắt cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án công nghệ cao và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới.

TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam VIPFA, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế chung, là mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

“Đánh giá lại việc thực hiện dự án, Bộ KH&ĐT cho biết, với việc chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái đã có 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên (RECP) được thực hiện”, TS Thắng thông tin.

Cần sớm có luật về khu công nghiệp

Theo TS Thắng, trong việc phát triển tăng trưởng xanh, KCN sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng vì thu hút đầu tư gắn với tiêu chuẩn xanh. Đây là biểu hiện của tư duy mới của các nhà hoạch định chính sách để đón dòng vốn đầu tư thế hệ mới cả trong và ngoài nước. Các KCN sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi KCN của cả nước theo tiêu chuẩn mới.

Tiêu chuẩn xanh và sinh thái KCN còn thể hiện uy tín cao của Việt Nam trước thế giới bởi tính tích cực, chủ động hình thành KCN sinh thái. Nếu Việt Nam không có đủ số lượng KCN sinh thái sẽ mất đi cơ hội có thể thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án qui mô lớn, công nghệ cao của họ.

 Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) được thực hiện chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái

Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) được thực hiện chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái

Do đó TS Thắng cho rằng cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các KCN theo mô hình các KCN sinh thái. Nhà nước cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, về tài chính, về đất đai... cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình KCN từ truyền thống sang sinh thái.

Việc hoàn thiện quy hoạch các KCN cũng cần được coi trọng và cần xây dựng một hình mẫu làm căn cứ đối sánh cho các khu khác để điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp việc chuyển đổi này ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Cùng quan điểm, TS Phạm Hồng Điệp, Chủ Tịch HĐQT Công ty CP Shinec – đơn vị tiên phong trong xây dựng mô hình KCN sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng cho rằng cần sớm có luật về khu công nghiệp.

Theo ông Điệp Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng mới các KCN sinh thái, hoặc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi thực hiện chuyển đổi, các đơn vị gặp không ít khó khăn.

Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của 1 KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái””, ông Điệp chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi KCN truyền thống chuyển đổi sang KCN sinh thái cũng gặp khó khăn. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư của mình. Trường hợp thay đổi, có thể phải xin thẩm định lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường, ….

“Cần sớm có luật về KCN, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái. Các nhà đầu tư rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc tiếp cận quy hoạch, đất, hỗ trợ về thủ tục hành chính để giảm tối đa thời gian chuẩn bị đầu tư”, ông Điệp kiến nghị.

Tỉ lệ nền kinh tế xanh và phát triển bền vững còn quá thấp
Theo TS Phạm Hồng Điệp, tính đến ngày 5-2024 cả nước đã có 425 KCN đã thành lập (số liệu từ Bộ KHĐT). Trong đó có 299 KCN đang hoạt động nhưng thì chỉ có khoảng từ 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các khu công nghiệp sinh thái. Tỉ lệ nền kinh tế xanh và phát triển bền vững còn quá thấp.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-nghi-som-co-luat-ve-khu-cong-nghiep-post803004.html