Kiến nghị UBND TPHCM bố trí kinh phí xây dựng kho bãi để tạm giữ phương tiện tốt hơn
Ngày 28-3, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TPHCM có buổi làm việc với Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TPHCM (PC08) về công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TPHCM, tổng số tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu của Phòng PC08 hiện là 31.511, trong đó có 34 ô tô, 1.252 xe ba bánh, 30.219 xe mô tô và 6 xe đạp.
Số phương tiện này hiện được tạm giữ tại 7 kho bãi thuộc Phòng CSGT. Trong đó, có một số kho bãi chưa có nhà để xe, đi thuê hoặc mượn của các đơn vị khác.
Nhìn nhận thực tế các kho, bãi tạm giữ phương tiện VPHC đang quá tải từng ngày, Thượng tá Quới nhận xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do tốc độ xử lý phương tiện VPHC không đồng mức với số lượng phương tiện bị tạm giữ.
Điển hình, trong các đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông, mỗi ngày lực lượng CSGT TPHCM tạm giữ gần 500 phương tiện vi phạm. Trong đó, Phòng CSGT tạm giữ khoảng 200 phương tiện, số còn lại là của lực lượng CSGT các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Trong năm 2023, phòng dự kiến nâng cấp hệ thống PCCC tại bãi tạm giữ An Sương và Hiệp Bình. Trang bị hệ thống camera giám sát tại bãi 55 Hoàng Diệu và kho Lê Minh Xuân. Phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC tập huấn kỹ năng PCCC cho cán bộ quản lý kho nhằm đảm bảo phòng cháy hiệu quả tại các kho tạm giữ VPHC.
Cũng tại buổi làm việc, Thượng tá Quới cho biết mặc dù có tình trạng quá tải tại các kho tạm giữ, tuy nhiên, đa số kho bãi tạm giữ Phòng CSGT đều có trang bị mái che, không phải các phương tiện bị tạm giữ đều bị phơi nắng.
Cụ thể, việc đưa các phương tiện ra bãi đều được chọn lọc. Các phương tiện mù, mờ, không số khung số máy, cũ nát và người vi phạm không đến làm việc thì mới chuyển ra các khu vực bên ngoài mái che nhằm giảm áp lực. Đối với các phương tiện mới, người dân đến làm việc, trả lại cho người vi phạm thì lưu kho bãi trong nhà có mái che, bảo quản ở mức tốt nhất cho người dân.
Đối với các kho, bãi tạm giữ phương tiện VPHC của Phòng CSGT hiện nay, ở kho tạm giữ An Sương có 1 nhà để xe, bãi Bình Phước có 2 nhà để xe, bãi Hóc Môn có 1 nhà giữ xe, kho Dương Đình Hội có 4 nhà để xe, kho Lê Minh Xuân có 6 nhà để xe.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết thêm, những phương tiện không có số khung, số máy tức là đã không đủ điều kiện lưu hành trở lại nên mới được phân loại vào khu vực bên ngoài mái che, hoặc xếp chồng lên nhau. Đối với các phương tiện còn tốt thì bảo quản ở mức tốt nhất có thể cho người dân, tránh tình trạng giữ xe mà khi trả lại thì hư hỏng xe của người dân.
Thượng tá Quới cho biết thêm do quy trình xử lý phương tiện tạm giữ, tịch thu phức tạp, mất nhiều thời gian nên thời gian xe lưu tại bãi dài. Ví dụ, với 1 phương tiện đến thời hạn thanh lý, Bộ Công an phải vào thẩm định định phương tiện, đúng thì Công an TP mới ký vào. Sau đó phải làm thủ tục định giá như mời Sở Tài chính, Trung tâm đấu giá... định giá. Trong khi đó, các phương tiện bị tạm giữ càng ngày càng nhiều hơn.
Từ những khó khăn đã nhìn nhận, Thượng tá Đoàn Văn Quới đề nghị TP sớm có kế hoạch kinh phí xây dựng kho bãi tạm giữ nhằm giảm áp lực tại các kho hiện nay.
Đại diện Phòng CSGT cũng đề xuất, điều chỉnh quy trình về bán đấu giá phương tiện VPHC bằng cách cho tạm ứng trước kinh phí dùng để giám định, đăng báo, sau khi bán được thì hoàn tiền trở lại.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Minh Đức, Phó Ban pháp chế HĐND TP đánh giá cao sự nỗ lực của Phòng CSGT, Cục QLTT, cán bộ chiến sĩ trong thực hiện bảo quản phương tiện, tang vật bị tạm giữ, VPHC và chia sẻ với những khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, Phó Ban pháp chế HĐND TP còn đề xuất, các kho bãi tạm giữ nên áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại để quản lý phương tiện tốt hơn, dễ dàng trích xuất, kiểm tra và tiết kiệm thời gian; ngoài ra, cần có phụ cấp, chế độ cho cán bộ quản lý kho...