Kiện nhau ra tòa vì... trồng cây gãy đổ sang nhà hàng xóm
Ông Viên nộp đơn khởi kiện ra tòa vì cây bạch đàn do ông Tình trồng đã ngã đổ đè lên công trình phụ của gia đình mình nhưng hàng xóm không chịu bồi thường. Tại phiên xét xử, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường thiệt hại gần 3,5 triệu đồng, đồng thời phải tiến hành chặt cây xoan và bảy cây bạch đàn…
TAND huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) vừa mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản và chặt cây cối có nguy cơ gây thiệt hại giữa nguyên đơn là ông Trần Công Viên, bị đơn là ông Nguyễn Ngọc Tình và vợ là Nguyễn Thị Xí (cùng ở thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
Theo nội dung vụ án, ông Viên trình bày, vợ chồng ông Tình có trồng bảy cây bạch đàn gần nhà ông. Khi cây lớn, nhận thấy có nguy cơ ngã đổ gây thiệt hại cho gia đình, ông Viên đã nhiều lần yêu cầu hàng xóm chặt cây, mé nhánh nhưng vợ chồng ông Tình không thực hiện.
Ngày 28/9/2019, trong điều kiện thời tiết bình thường, một cây bạch đàn trong số này đã ngã đổ đè lên công trình phụ của gia đình ông Viên, gây thiệt hại 5,2 triệu đồng.
Sau đó, chính quyền địa phương vào cuộc hòa giải nhưng ông Tình, bà Xí không bồi thường và cũng không thống nhất chặt bảy cây bạch đàn nói trên. Kết quả xem xét, thẩm định và định giá bổ sung ngày 8/5/2020 cho thấy, cây bạch đàn ngã đổ đã gây thiệt hại cho gia đình ông Viên gần 3,5 triệu đồng.
Theo đơn khởi kiện, ông Viên yêu cầu vợ chồng ông Tình nhanh chóng chặt hạ bảy cây bạch đàn để đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của gia đình ông khi mùa mưa bão sắp đến, đồng thời bồi thường thiệt hại cho ông gần 3,5 triệu đồng. Trong quá trình khởi kiện, ông Viên bổ sung thêm một cây xoan.
Còn về phía bị đơn, ông Tình thừa nhận cây bạch đàn của gia đình ngã đổ gây thiệt hại tài sản cho nguyên đơn nhưng cho rằng cây tự ngã đổ, họ không tác động, không chặt phá nên không có trách nhiệm bồi thường. Hơn nữa, cây ngã đổ lên chuồng trại nhà ông Viên chứ không phải ngã lên nhà ở của ông này, trại do ông Viên tự ý làm và làm sau thời điểm ông Tình trồng cây nên ông không bồi thường.
Về yêu cầu chặt cây xoan và bảy cây bạch đàn, ông Tình cho rằng đây là cây do ông trồng và là tài sản thuộc sở hữu của gia đình ông. Thừa nhận số cây này có nhiều khả năng ngã đổ và khi đó chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến tài sản cũng như tính mạng của những người trong gia đình hàng xóm nhưng ông Tình không thống nhất chặt cây. Bởi gia đình ông không có cách nào chặt cây an toàn, chi phí chặt cây tốn kém trong khi ông chưa cần sử dụng và cũng không muốn chặt cây.
Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX nhận thấy thiệt hại này là do cây bạch đàn của gia đình ông Tình ngã đổ trong điều kiện thời tiết bình thường, không phải do sự kiện bất khả kháng. Vợ chồng ông Tình thừa nhận thiệt hại do cây cối của mình gây ra nhưng cho rằng họ không tác động, cây tự ngã đổ và công trình vệ sinh do ông Viên xây dựng sau khi ông trồng cây nên không chấp nhận bồi thường thiệt hại là không đúng quy định của pháp luật. Cây bạch đàn ngã đổ thuộc sở hữu của bị đơn nên phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Về yêu cầu chặt cây, tòa cho rằng cây xoan và bảy cây bạch đàn đều có chiều cao hơn 10m, trong khi đó khoảng cách từ gốc cây đến nhà ở, trại chăn nuôi của gia đình ông Viên đều nhỏ hơn 10m. Hơn nữa, các cây này nằm sát bờ rào trên bậc đất cao nên rất dễ ngã đổ và có thể gây thiệt hại đến tài sản, thậm chí tính mạng của gia đình ông Viên và những người khác. Vợ chồng ông Tình nhận thức rõ điều này nhưng không chịu chặt vì cho rằng gia đình ông Viên làm nhà và làm trại chăn nuôi sau khi ông trồng cây và làm trái phép. Tại tòa, ông còn viện thêm lý do không đồng ý chặt cây là do Nhà nước thực hiện việc giải tỏa đền bù đất đai kéo dài, không cho ông làm nhà, trong khi nhà ông đã xuống cấp. Nếu Nhà nước đền bù thỏa đáng và ông được làm nhà thì ông sẽ chặt cây ngay.
Theo HĐXX, pháp luật quy định cây cối có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, không quy định bất động sản nào có trước. Vì vậy, việc ông Viên yêu cầu vợ chồng ông Tình phải chặt cây là phù hợp, đúng pháp luật. Hiện nay vợ chồng nguyên đơn làm nhà, sinh sống hợp pháp nên tài sản của họ phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Phía bị đơn đưa ra các lý do để không chặt cây là hoàn toàn không phù hợp, không đúng pháp luật, thể hiện sự cố chấp, xem thường tài sản, thậm chí tính mạng của người khác nên không thể chấp nhận.
Do đó, tòa quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc vợ chồng ông Tình có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn gần 3,5 triệu đồng, đồng thời phải tiến hành chặt cây xoan và bảy cây bạch đàn có nguy cơ gây thiệt hại như đã nêu trên.