Kiên quyết chấm dứt tình trạng khai thác tận diệt gần bờ

Hiện nay, trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn còn số lượng lớn phương tiện bè mảng của ngư dân khai thác hải sản gần bờ. Trong số đó, có một bộ phận ngư dân sử dụng hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt. Chính quyền địa phương đang tìm các biện pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân, nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Một số ngư dân trên địa bàn huyện Diễn Châu sử dụng bè mảng khai thác hải sản gần bờ bằng các hình thức bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh: Viết Lam

Một số ngư dân trên địa bàn huyện Diễn Châu sử dụng bè mảng khai thác hải sản gần bờ bằng các hình thức bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh: Viết Lam

Ngư dân vi phạm pháp luật khi đánh bắt thủy sản

Những ngày đầu tháng 5-2022, do thời tiết bất thường, ở khu vực cửa sông Lạch Vạn, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có rất nhiều phương tiện bè mảng neo đậu. Bè mảng là loại phương tiện được làm từ vật liệu thô sơ, ngư dân tự gắn động cơ máy từ 20-30CV để đánh bắt ở vùng cửa sông và khu vực biển gần bờ. Thông thường, mỗi bè mảng chỉ cần 1-2 lao động, phương thức đánh bắt chủ yếu là thả các loại lưới khác nhau. Đặc điểm nhân công ít, chi phí hoạt động thấp, đi về trong ngày, bè mảng được xem là phương tiện mưu sinh hiệu quả cho một bộ phận ngư dân địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều chủ phương tiện bè mảng đang sử dụng các phương thức đánh bắt tận diệt nguồn hải sản gần bờ. Qua ghi nhận thực tế tại cửa Lạch Vạn, mỗi bè mảng đang neo đậu đều chứa hàng trăm chiếc lồng bát quái (hay còn gọi là lờ dây, lồng xếp, rọ lồng) là loại ngư cụ du nhập từ nước ngoài và không được phép sử dụng. Mắt lưới bát quái nhỏ hơn rất nhiều so với quy định, nguyên lý hoạt động là ngăn cản đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản vốn có tập tính con bố mẹ phải vào bờ để đẻ trứng, còn con non phải ra biển để trưởng thành. Một bộ lồng bát quái dài khoảng 5-10m, bao gồm nhiều khung lồng có dạng hình hộp, xếp song song và liên kết với nhau bằng áo lưới, dọc thân lồng có nhiều cửa hom để thủy sản đi vào nhưng không có cửa ra.

Sử dụng lồng bát quái để khai thác thủy sản là vi phạm Luật Thủy sản quy định “cấm mọi hành vi ngăn chặn đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản tại các vụng vịnh, cửa sông”; vi phạm Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định “xử phạt đối với hành vi sử dụng các loại ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài vào mà chưa được cơ quan có thẩm quyền khảo nghiệm và cho phép sử dụng”.

Qua trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thọ, chủ một bè mảng trên địa bàn huyện Diễn Châu thẳng thắn chia sẻ: “Phần lớn ngư dân hoạt động bằng bè mảng trên địa bàn đều sử dụng lồng bát quái để đánh bắt hải sản. Chúng tôi cũng biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng cũng không biết chuyển đổi nghề gì để kiếm sống”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cùng với lồng bát quái, chủ một số bè mảng còn gắn động cơ công suất lớn để hành nghề giã cào ở vùng biển gần bờ. Thậm chí, họ còn lén lút sử dụng kích điện gắn vào lưới trong lúc hành nghề làm cho các loại thủy, hải sản đều bị tận diệt.

Nhiều khó khăn trong chuyển đổi nghề

Bè mảng thuộc phương tiện đánh bắt thô sơ, có thể dễ dàng vào neo đậu ở cửa sông, cửa lạch, bãi biển và thuộc sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương. Theo quy định của pháp luật hiện hành, bè mảng không nằm trong danh mục phương tiện bị cấm hành nghề trên biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bè mảng tồn tại với số lượng lớn, cùng phương thức đánh bắt bị cấm đang gây ra nhiều bất cập cho ngành khai thác thủy, hải sản của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: “Hiện, trên địa bàn toàn huyện Diễn Châu có trên 600 phương tiện bè mảng đang hoạt động, với gần 1.000 lao động đánh bắt hải sản gần bờ. Chi phí thấp, loại phương tiện này chỉ đáp ứng được vấn đề mưu sinh hàng ngày cho người dân, còn hiệu quả phát triển kinh tế không cao. Không chỉ vậy, bè mảng với những phương thức đánh bắt không phù hợp đang tác động xấu đến nguồn lợi cũng như ngành khai thác hải sản của địa phương. Trên bè mảng cũng không có thiết bị thông tin liên lạc, nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi tham gia cứu hộ ngư dân gặp nạn trong quá trình hành nghề”.

Từ những bất cập trên, những năm qua, UBND huyện Diễn Châu đã tìm nhiều giải pháp để chuyển đổi nghề cho số ngư dân đánh bắt bằng bè mảng như khuyến khích, ưu đãi để ngư dân đóng các tàu công suất lớn vươn khơi; thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án tại địa phương để giải quyết công ăn việc làm... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những giải pháp đưa ra chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Anh Nguyễn Văn Điệp, ngư dân huyện Diễn Châu cho biết: “Có nhiều người trước đây sử dụng bè mảng đánh bắt gần bờ, sau đó, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương đã đóng tàu lớn để khai thác xa bờ. Thế nhưng, tàu lớn đồng nghĩa với việc phải có lao động đông, kinh phí dầu máy lớn, trong lúc hải sản khai thác không được bao nhiêu. Thực tế, có những trường hợp ngư dân chấp nhận cho tàu công suất lớn nằm bờ để trở lại gắn bó với bè mảng mưu sinh”.

Trong khi đó, việc chuyển đổi để ngư dân đánh bắt bằng bè mảng sang các nghề khác cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi phần lớn những người bám bè mảng khai thác hải sản gần bờ phần lớn đã ở độ tuổi trung niên, các xí nghiệp nhà máy cũng không muốn nhận họ vào làm. Nói về nhiệm vụ thời gian tới, ông Phan Xuân Vinh khẳng định: “Trước mắt, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân loại bỏ các hình thức, ngư cụ đánh bắt hải sản bị pháp luật nghiêm cấm. Cùng với đó, chúng tôi quyết tâm, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn chuyển đổi việc làm cho ngư dân đánh bắt bằng bè mảng”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-quyet-cham-dut-tinh-trang-khai-thac-tan-diet-gan-bo-post450832.html