Kiên quyết đấu tranh với âm mưu lợi dụng các vấn đề tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội (MXH) luôn được ví là 'cuộc chiến' không khói súng, có tính chất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh này rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và toàn diện; các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật và sự tham gia tích cực với ý thức, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp...
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh nghiên cứu hồ sơ để đấu tranh với các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Ảnh: Lê Phượng
Nếu chúng ta thường xuyên tiếp xúc internet, nhất là các trang MXH có lẽ không còn xa lạ với những thông tin, bài viết có nội dung đề cập đến vấn đề tham nhũng ở nước ta được đăng tải trên các wesite, blog, facebook... của một số hội, nhóm “xã hội dân sự” và một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền... Và từ những nội dung, bài viết chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nó thường mang nặng tính suy diễn chủ quan, thổi phồng, tô vẽ, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, đối tượng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ... các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, để lôi kéo người dân tin tưởng vào các luận điệu xuyên tạc, chúng cố tình lợi dụng những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy chụp và thổi phồng cho đó là tình trạng phổ biến, là hệ quả của chế độ XHCN, là “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo... Mục đích cuối cùng của đối tượng là nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt của xã hội Việt Nam dưới chế độ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội. Và đi đôi với những luận điệu xuyên tạc đối tượng cũng bắt đầu bộc lộ bản chất “phản động”, “phá hoại” Đảng, Nhà nước khi đưa ra những lời hô hào, xúi giục nhân dân đoàn kết, đấu tranh đòi tự do, dân chủ... để chống lại công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước ta hiện nay.
Cũng phải nói thêm rằng, tham nhũng không chỉ có ở nước ta mà đã trở thành quốc nạn ở nhiều nước trên thế giới. Tham nhũng không chỉ có từ bây giờ mà đã có từ rất lâu không chỉ ở Việt Nam. Thực tế, Đảng, Nhà nước ta không phủ nhận vấn đề tham nhũng vẫn đã và đang tồn tại; là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để ngăn chặn tệ nạn này, Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và loại trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Từ hàng loạt những vụ tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng chính là bằng chứng xác thực nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta để thực hiện mục đích, ý đồ phá hoại đất nước.
Có lẽ, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như thời gian gần đây. Và giữa lúc quyết tâm chính trị, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang lên cao thì các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải nhận thức rõ ràng, đấu tranh kiên quyết với những âm mưu, thủ đoạn đó.
Thực tế, trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, không thể phủ nhận những tiện ích của MXH nhưng cũng không loại trừ rất nhiều những rủi ro đã, đang và sẽ còn tiềm ẩn trên MXH. Từ những thông tin đã nêu, cho thấy, thực tế, các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ, xuyên tạc, xâm phạm an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng đang diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH luôn được ví là “cuộc chiến” không khói súng, có tính chất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh này rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và toàn diện; các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật và sự tham gia tích cực với ý thức, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp...
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá trên internet, cán bộ, đảng viên Công an tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, chủ động tham mưu và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực nhằm phòng ngừa, đấu tranh phản bác, xử lý các đối tượng có quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên tuyên truyền, nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương. Qua đó, đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, nhiều bài viết phản bác của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên đã đấu tranh vạch trần âm mưu phá hoại và luận điệu xuyên tạc, kích động của không ít đối tượng phản động.
Tại huyện Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, chia sẻ: Thực tế, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thọ Xuân đã và vẫn đang sử dụng MXH để đấu tranh, phản bác với các quan điểm sai trái trên MXH, đặc biệt cao điểm là gần đây việc hàng loạt cán bộ bị khởi tố, bắt giam (trong đó có cả cán bộ cấp cao) về vấn đề tham nhũng. Thực hiện phương án đấu tranh, huyện Thọ Xuân đã nâng cấp, củng cố các trang, nhóm công khai trên MXH với tên gọi gợi được sự chú ý của cư dân mạng, phản ánh tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu quê hương. Trên các trang thuộc hệ thống chính trị như huyện đoàn, hội phụ nữ, MTTQ..., các trang facebook cá nhân của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thường xuyên đăng tải, chia sẻ bài viết tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; bài viết về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, gương người, tốt việc tốt... qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng “sức đề kháng” để cư dân mạng chống lại tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá trên MXH.
Kiên quyết đấu tranh với các vấn đề tiêu cực, nhất là vấn đề tham nhũng là quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội. Vì vậy, để tránh bị kẻ xấu lôi kéo, biến mình trở thành con rối của kẻ địch, sử dụng MXH thành công cụ xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ, mỗi người dùng MXH hãy đề cao cảnh giác, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.