Kiên quyết đấu tranh với tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn vệ sinh thực phẩm
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, Công an tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, kiên quyết đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm về tội phạm này, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nổi lên một số hành vi phổ biến như: khai thác vàng, vật liệu xây dựng (cát, sỏi) trái phép với quy mô nhỏ lẻ, sử dụng các công cụ thô sơ lén lút khai thác tại các địa bàn hẻo lánh; khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã để sử dụng hoặc kinh doanh buôn bán kiếm lời diễn ra tại những khu rừng già, xa dân cư, đi lại khó khăn nhằm trốn tránh sự kiểm soát và phát hiện của cơ quan chức năng. Kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch; hoạt động giết mổ động vật nhỏ lẻ khó kiểm soát… Những hành vi trên tiềm ẩn nguy cơ gây phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Để đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATVSTP, lực lượng Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATVSTP, kết hợp với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân vào cuộc, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc hỗ trợ, thông báo và tố giác tội phạm. Phối hợp với các ban, ngành trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, tài nguyên, ATVSTP.
Đặc biệt, với tinh thần “kiên quyết đấu tranh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, lực lượng Công an từ tỉnh tới cơ sở cử cán bộ bám nắm địa bàn, cùng ăn, cùng ở, trèo đèo, lội suối, băng rừng để điều tra, khám phá, xử lý nhiều vụ phạm tội môi trường, tài nguyên, ATVSTP nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay đã phối hợp phá hủy 37 hầm lò khai thác khoáng sản vàng trái phép; tiêu hủy hơn 50 lán trại, hơn 100 thiết bị máy móc phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép. Phát hiện xử lý 245 vụ, việc (trong đó: khởi tố 22 vụ, 27 bị can), xử phạt hành chính hơn 5,6 tỷ đồng về vi phạm pháp luật, tội phạm về môi trường. Điển hình như các vụ việc: triệt phá đường dây khai thác, mua bán trái phép lâm sản thuộc nhóm quý hiếm tại thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ); bắt, khởi tố 7 đối tượng về hành vi khai thác vàng trái phép tại xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ)...
Phong Thổ là huyện biên giới của tỉnh, trên địa bàn có nhiều sông suối, thủy điện, núi đá nên có nhiều tài nguyên về cát, sỏi. Lực lượng Công an huyện Phong Thổ đã quyết tâm phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa, xử lý nghiêm minh đối với tội phạm và hành vi vi phạm về môi trường.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, từ năm 2023 đến nay, Công an huyện Phong Thổ đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 4 đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn (3 mỏ đá, 1 mỏ cát) với số tiền 36 triệu đồng; xử lý vi phạm hành chính 1 cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép với số tiền 26,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay quá trình đấu tranh với các loại tội phạm về môi trường, tài nguyên, ATVSTP trên địa bàn còn gặp một số khó khăn như: phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi hơn, có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng công an phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài; hậu quả của tội phạm và các hành vi pháp luật về lĩnh vực này không xảy ra ngay mà tích lũy theo thời gian. Trong công tác giám định, cơ sở vật chất để kiểm định còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chi phí thực hiện giám định lớn, thời gian kéo dài...
Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh xác định, thời gian tới tập trung làm tốt công tác nắm, dự báo, xử lý tình hình, chủ động bảo vệ môi trường gắn với công tác lãnh, chỉ đạo giải quyết các tụ điểm, địa bàn phức tạp, nổi cộm về môi trường, tài nguyên, ATVSTP ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, phát sinh “điểm nóng”, ảnh hưởng đến ANTT. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATVSTP. Tập trung triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm tội phạm vi phạm pháp luật về lĩnh vực này với tinh thần "thượng tôn pháp luật". Qua đó, góp phần ngăn chặn, phòng, chống và kéo giảm tội phạm về lĩnh vực môi trường, tài nguyên, ATVSTP, bảo vệ nhân dân.