Kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về tình trạng một số cơ sở sản xuất nằm sát khu dân cư thuộc địa bàn Hà Nội gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của hàng nghìn hộ dân nhưng chưa được di dời, khắc phục. Nguyên nhân chính do các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp trong xử lý, di dời các cơ sở này.

Ống khói lò nấu hơi và thùng ủ men của Chi nhánh Bia Carlsberg Việt Nam gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ảnh: VĨNH HÀ

Ống khói lò nấu hơi và thùng ủ men của Chi nhánh Bia Carlsberg Việt Nam gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ảnh: VĨNH HÀ

Sống chung với ô nhiễm

Nằm lọt thỏm trong ngõ Hòa Bình 7, giữa các khu dân cư thuộc phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Nhà máy bia Đông Nam Á (nay là Chi nhánh Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tại Hà Nội). Sát tường bao nhà máy, chỉ cách lò cấp hơi khoảng 30 cm là nhà bà Thái Thị Lan (ở số 75, ngách 81, cụm 4G, địa bàn dân cư số 4, phường Minh Khai). Bà Lan dẫn tôi đi thăm ba tầng của ngôi nhà, nơi có ba thế hệ cùng sinh sống. Tất cả cửa sổ, cửa ra vào đều đóng kín, che chắn nhiều lớp, không khí trong nhà ngột ngạt. Bà Lan giải thích: “Tôi phải dùng lưới ni-lông để chắn bụi, cửa kính để chống ồn, ngăn khí thải, thế mà bụi vẫn bám lên quần áo, đồ đạc đen như bồ hóng, mùi hôi thối của men ủ xộc vào mũi không chịu nổi. Đêm khuya, tiếng máy kêu ầm ĩ không tài nào ngủ được, các cháu nhỏ thường xuyên giật mình quấy khóc. Những khi lò hơi hoạt động, cộng với thời tiết nắng nóng thì trong nhà như cái lò than, chạm tay vào tường còn nóng rát”.

Ngôi nhà cấp bốn của gia đình ông Trần Đình Triệu, 82 tuổi (ở số 73, ngách 81, cụm 4G, địa bàn dân cư số 4, phường Minh Khai) cũng trong tình trạng tương tự. Trên mái nhà và mảnh vườn trồng rau phủ kín một lớp bụi than đen. Ông Triệu lấy chổi quét khoảng sân trước nhà, vun được một vốc bụi than, đưa cho tôi rồi thở dài mệt mỏi: “Tôi sống ở đây 63 năm thì hơn 20 năm phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm. Có hôm nấu cơm xong chưa kịp ăn, nhìn vào mâm cơm toàn bụi than. Nhà tôi hơn 400 m2 đất mà các con, các cháu không dám ở, đứa mua nhà, đứa thuê nhà nơi khác vì chúng nó không chịu đựng được. Có ai nghĩ sống giữa Thủ đô văn minh mà phải chịu cảnh này”.

Những người dân ở ngõ Hòa Bình 7 đến nay vẫn còn ám ảnh sự việc xảy ra vào tháng 9-2001, khí A-mô-ni-ắc (NH3) từ Nhà máy bia Đông Nam Á thoát ra khu dân cư, khiến hàng chục người dân trong ngách 81 bị nhiễm độc cấp. Hàng trăm người tháo chạy ra khỏi nhà. Một số trẻ nhỏ và phụ nữ bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Từ đó đến nay, nhà máy cũng đã nhiều lần bị chính quyền và cơ quan chức năng xử phạt, vì vi phạm pháp luật về môi trường. “Điều tôi lo nhất là tính mạng của cả gia đình và hàng trăm con người trong khu dân cư này. Có ai dám cam kết rằng, cái lò hơi kia không gặp sự cố, mà nếu sự cố xảy ra thì nó chẳng khác nào quả bom phát nổ” - ông Triệu nói.

Cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Nhà máy Dệt kim của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (gọi tắt là Công ty Dệt kim Đông Xuân) ở số 524 phố Minh Khai (phường Vĩnh Tuy), gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, khiến người dân bức xúc. Vừa qua, chúng tôi có mặt gần khu vực hoạt động của nhà máy, tận mắt chứng kiến một vùng khói bao phủ lên khu dân cư. Bà Võ Thị Huệ, Tổ trưởng dân phố 15A, địa bàn dân cư số 15, phường Vĩnh Tuy cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn dân cư số 15 đang phải gánh cùng lúc hai loại dịch, đó là dịch sốt xuất huyết và “dịch” khói bụi của nhà máy dệt kim. Đêm 12-8 vừa qua, cả khu dân cư ngạt thở, không thể ngủ nổi vì khói lò và mùi than đốt, mùi dầu máy”. Quan sát tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận trong khu vực sản xuất của nhà máy có sáu ống khói, trong đó hai ống đang hoạt động, khói tỏa ra khét lẹt.

Mới đây, hơn 50 hộ dân thuộc địa bàn dân cư số 15, đồng loạt ký đơn kiến nghị UBND phường Vĩnh Tuy sớm có biện pháp xử lý tình trạng Công ty Dệt kim Đông Xuân xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Nội dung đơn cho biết: Tổ dân phố 15A, địa bàn dân cư số 15 đã rất nhiều lần có ý kiến trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân và có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp về tình trạng ô nhiễm này, nhưng đến nay không có sự chuyển biến. Hiện tình trạng nhà máy xả khói diễn ra cả ngày và đêm, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chưa quyết liệt và thiếu sự phối hợp chặt chẽ

Trước những bức xúc của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền hai phường Vĩnh Tuy và Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn xác nhận: UBND phường đã nhiều lần nhận đơn phản ánh của người dân về tình trạng Công ty Dệt kim Đông Xuân sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Từ việc xả nước thải có hóa chất hấp, tẩy, nhuộm vải ra hệ thống thoát nước chung, đến tình trạng khói bụi than, bụi sợi vải, bụi bông phát tán ra khu dân cư. Tháng 3-2017, đại diện các hộ dân phản ánh về việc nhà máy xả dầu ra cống thoát nước sinh hoạt. UBND phường cũng nhiều lần phối hợp các cơ quan chức năng đến kiểm tra, yêu cầu công ty khắc phục. Phía công ty đã có những biện pháp như: bổ sung thêm lưới tại cửa thông gió, làm hệ thống khử bụi kiểu ướt, thay thế lò hơi dầu… Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được ý kiến phản ánh về tình trạng khói bụi ô nhiễm, do hoạt động sản xuất của nhà máy.

Từ năm 2010, UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản đề xuất di dời một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu vực dân cư, trong đó có Công ty Dệt kim Đông Xuân. Đây cũng là một trong số các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng buộc phải di dời khỏi khu vực nội đô trước năm 2013 theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội. Năm 2011, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã tiến hành xây dựng nhà máy mới ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và đã đi vào hoạt động ổn định. Điều khiến dư luận bức xúc, thắc mắc là vì sao một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã được bố trí quỹ đất và hỗ trợ di dời, xây dựng nhà máy mới, nhưng nhà máy cũ vẫn duy trì hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường?

Cũng liên quan việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy bia thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tại Hà Nội (gọi tắt là Chi nhánh Công ty Bia Carlsberg Việt Nam), Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai Hồ Việt Hùng cho biết: UBND phường đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng, Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp xử lý triệt để, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng này.

Xác định đây là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, ngày 12-4-2016, UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục có Văn bản số 321/UBND - TN&MT báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất di dời Chi nhánh Công ty Bia Carlsberg Việt Nam ra khỏi địa bàn dân cư. Từ đó đến nay, UBND quận Hai Bà Trưng có nhiều văn bản đề nghị thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để việc đặt lò hơi và toàn bộ hoạt động của Chi nhánh Công ty Bia Carlsberg Việt Nam. Ngày 29-12-2016, Phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng đại diện UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Minh Khai và tổ dân phố tiến hành kiểm tra hoạt động của Chi nhánh Công ty Bia Carlsberg Việt Nam. Tại buổi kiểm tra đã ghi nhận: Lò hơi hoạt động bằng mùn cưa và chưa có trong đề án bảo vệ môi trường của công ty. Bằng trực quan nhận thấy lò hơi được thiết kế ở vị trí sát với các hộ dân chung quanh (hộ gia đình gần nhất cách 20cm) và liên tục có tiếng ồn, có nhiệt độ cao khi hoạt động (Trích Văn bản số 06/UBND, ngày 10-1-2017, của UBND phường Minh Khai). Ngày 6-7-2017, UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục có Văn bản số 857/UBND-TN&MT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành quan trắc đột xuất về việc lắp đặt lò hơi sử dụng mùn cưa và toàn bộ hoạt động của nhà máy thuộc Chi nhánh Công ty Bia Carlsberg Việt Nam. Như vậy, việc người dân nhiều lần phản ánh, chính quyền cấp phường, quận cũng có nhiều văn bản đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Chi nhánh Công ty Bia Carlsberg Việt Nam vẫn chỉ nằm trên giấy.

Việc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư là vấn đề cấp thiết, để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân, cũng như phù hợp quy hoạch phát triển đô thị. Đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội có biện pháp kiên quyết đối với những cơ sở chây ì, kéo dài thời gian di dời, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra.

Từ năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã lập danh sách 422 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trong đó có 134 cơ sở cần di dời. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố 117 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi 12 quận nội thành Hà Nội, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Theo kết quả giám sát của Ban Ðô thị HÐND thành phố, đến nay mới có hơn 30 cơ sở lập đề án chuyển đổi chức năng sử dụng đất, tiến độ di dời các cơ sở còn chậm.

ANH THƠ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/34006702-kien-quyet-di-doi-cac-co-so-gay-o-nhiem-ra-khoi-khu-dan-cu.html